Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017. Theo đó, PCI của Thanh Hóa tăng 3 bậc so với năm 2016, từ thứ 31 lên thứ 28, đứng ở nhóm khá của cả nước. Tổng điểm Thanh Hóa đạt được là 62,46 điểm, tăng 3,92 điểm so với năm 2016.
Trong 10 chỉ số đánh giá thì Thanh Hóa có 8 chỉ số thành phần tăng, trong đó tăng cao nhất là các chỉ số về tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng và tính năng động của lãnh đạo tỉnh. Ngoài ra còn có các chỉ số thành phần khác có số điểm tăng là: Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Kết quả này phản ánh rõ ràng thực tế môi trường đầu tư kinh doanh đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền. Một trong những bước chuyển đáng ghi nhận trong năm 2017 là Thanh Hóa đã tập trung rất quyết liệt để cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Trong báo cáo mới nhất về CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017 của UBND tỉnh với đoàn giám sát của HĐND tỉnh, có một điểm đáng chú ý là kết quả khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hành chính công đạt tỷ lệ hài lòng trên 80%. Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong năm 2017 Thanh Hóa đã có sự chuyển mình, với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai tích cực. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC, cải cách TTHC. Lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện. Công tác CCHC đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trên cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách bộ máy; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
Đặc biệt, trong cải cách TTHC, trọng tâm là đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực đất đai, thành lập doanh nghiệp, thẩm định dự án đầu tư..., các TTHC trên các lĩnh vực này đều được đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho doanh nghiệp, người dân so với quy định chung và so với nhiều tỉnh trong cả nước. Năm 2017, đã rà soát đánh giá 35 TTHC, đề nghị sửa đổi, bổ sung 34 TTHC, đề nghị bãi bỏ 1 TTHC, tỷ lệ cắt giảm đạt 28,08% (vượt chỉ tiêu 13,08%), tiết kiệm chi phí hơn 2,272 tỷ đồng.
Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, các cấp chính quyền đã tích cực triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại. Từ tháng 11-2017, Thanh Hóa đã đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động, góp phần khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh, giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Công tác giải quyết TTHC đảm bảo thuận tiện, đã kiểm soát được số lượng hồ sơ nhận, trả và tiến độ, thời gian xử lý hồ sơ của cán bộ, công chức, giảm tình trạng tồn đọng, kéo dài. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn tại Trung tâm hành chính công tỉnh đạt 98,9%. Kết quả thực hiện việc giải quyết các TTHC cấp tỉnh được đưa công khai trên trang thông tin điện tử của Trung tâm hành chính công tỉnh (http://hcc.thanhhoa.gov.vn). Đến nay, 27/27 huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) cũng đã ban hành nghị quyết thành lập trung tâm hành chính công cấp huyện, đã có một số trung tâm hành chính công cấp huyện đi vào hoạt động hiệu quả. Đồng thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp, Thanh Hóa đã cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến và tiếp nhận giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Việc công bố công khai niêm yết TTHC đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác CCHC, qua theo dõi, rà soát của UBND tỉnh cho thấy còn có những hạn chế, tồn tại cần tiếp tục được tập trung tháo gỡ. Đó là: Trong giải quyết TTHC ở một số đơn vị còn tình trạng thu thừa, thu thiếu giấy tờ trong hồ sơ so với quy định; xử lý hồ sơ TTHC chưa đảm bảo trình tự, thời gian quy định; sử dụng không đúng mẫu đơn tờ khai. Việc đánh giá tác động TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh do các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo thực hiện đạt tỷ lệ thấp, chưa bảo đảm hiệu quả. Hoạt động của bộ phận một cửa ở một số đơn vị cấp xã còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện liên thông giữa các cấp hành chính còn nhiều hạn chế, nhất là liên thông giữa sở, ngành với các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn. Một số đơn vị cấp huyện đã triển khai mô hình một cửa hiện đại nhưng chưa đồng nhất về cách làm, mô hình,... Công tác giám sát quá trình giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức liên quan đối với cơ quan hành chính Nhà nước và cán bộ, công chức khó thực hiện, cơ chế kiểm tra, giám sát chưa rõ ràng.
Trong buổi làm việc mới đây giữa Thường trực HĐND tỉnh với đại diện VCCI Chi nhánh Thanh Hóa, các hiệp hội doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh để nghe phản ánh tình hình thực hiện pháp luật về TTHC, việc cải cách TTHC và chất lượng hoạt động giải quyết TTHC cho công dân, các tổ chức, DN; phần lớn các ý kiến của đại biểu ghi nhận những thay đổi theo hướng tích cực trong công tác quản lý, giải quyết TTHC của các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền đã tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các DN, tổ chức tiếp cận các nguồn lực để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các đại biểu đến từ các hiệp hội DN cũng cho rằng chất lượng cải cách TTHC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh hiện nay, thể hiện ở chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa trong năm 2016 bị tụt lùi (giảm 21 bậc so với năm 2015). Đại diện VCCI Chi nhánh Thanh Hóa, các hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh cần thực hiện sát sao hơn nữa trong công tác giám sát cải cách TTHC, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của DN, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN phát triển, đóng góp, tăng thu ngân sách.
PCI năm 2017 đã tăng, song bên cạnh những tín hiệu lạc quan thì công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC vẫn cần tiếp tục được thực hiện quyết liệt, trong đó phải quan tâm giải quyết thấu đáo những hạn chế, tồn tại, vướng mắc như chính cơ quan hành chính Nhà nước, cũng như từ phía các doanh nghiệp, người dân đã chỉ ra.
THEO BÁO THANH HÓA ĐIỆN TỬ