Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc, nhưng không đồng đều giữa các khu vực và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường do xung đột chính trị, tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở một số nước, khu vực; xu hướng bảo hộ, chống toàn cầu hóa, biến động tỷ giá đồng nội tệ của một số nền kinh tế lớn.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,08%, cao hơn năm 2016 và các tỉnh trong khu vực; GDP bình quân đầu người đạt 1.705 USD; cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển tương đối ổn định và đạt kết quả khá toàn diện; giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 26.555 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,688 triệu tấn, vượt 5,5% kế hoạch; toàn tỉnh có 1 huyện, 203 xã (đạt 35,4%) và 414 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, tăng 0,8 tiêu chí so với đầu năm. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước đạt 70.833,4 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ có bước phát triển nhanh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 82.931 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.873,8 triệu USD, vượt 1,3% kế hoạch, tăng 10,7%; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, hạ tầng du lịch tiếp tục được đầu tư, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên, từng bước làm thay đổi diện mạo ngành du lịch của tỉnh, năm 2017 ngành du lịch ước đón 7 triệu lượt khách, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 13.144 tỷ đồng, đạt 97,3% dự toán và tương đương cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 10.744 tỷ đồng, vượt 15,4% dự toán. Công tác phát triển doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm; Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức tiếp doanh nghiệp định kỳ vào ngày 21 hàng tháng để tiếp nhận phản ánh và giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; trong năm, đã thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 18.690 tỷ đồng, so với cùng kỳ, gấp 2,04 lần số doanh nghiệp và 2 lần vốn đăng ký.
Hoạt động xúc tiến đầu tư và kinh tế đối ngoại được đẩy mạnh; đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 với quy mô cấp quốc gia và trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư cho 32 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 6,3 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Kết quả thu hút các dự án đầu tư trực tiếp tăng cao so với cùng kỳ; trong năm đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 249 dự án đầu tư trực tiếp (10 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 32.656 tỷ đồng và 3,059 tỷ USD (tổng số các dự án chấp thuận chủ trương đầu tư, bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài khoảng 4,5 tỷ USD), tăng 65 dự án và gấp 4,8 lần số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 106 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch; đã hoàn thành một số dự án trọng điểm, như thủy điện Trung Sơn, hệ thống cấp nước Khu Kinh tế Nghi Sơn; đường vành đai phía Tây, thành phố Thanh Hóa (km6+00 - km14+632); khu nhà ở công nhân tại Khu Công nghiệp Lễ Môn; đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; khởi công một số dự án lớn như: Tuyến đường bộ ven biển (đoạn TP Sầm Sơn - Quảng Xương); tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn; Cảng container Long Sơn, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường, thiết thực, hiệu quả và ngày càng mở rộng, vị thế của tỉnh ta ngày càng được nâng cao.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; nhiều sự kiện lớn đã được tổ chức thành công; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017 đạt 97,6% (tăng 0,6% so với năm học trước); giáo dục mũi nhọn duy trì thành tích cao, học sinh tỉnh ta đạt 1 HCV Toán học, 1 HCB Sinh học tại các kỳ thi Olympic quốc tế và 52 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia khối THPT (xếp thứ 6 toàn quốc). Ngành y tế đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; công tác xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, trong năm đã chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án dịch vụ y tế chất lượng cao tại 3 bệnh viện theo hình thức xã hội hóa với quy mô 1.300 giường; thể thao thành tích tiếp tục giữ vững vị trí trong tốp đầu cả nước, với 867 huy chương (314 HCV) tại các giải đấu quốc gia, quốc tế. Đội bóng đá FLC Thanh Hóa lần đầu tiên giành HCB Giải vô địch quốc gia năm 2017. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2,54%, xuống còn 8,43%; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đời sống nhân dân ổn định.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường ổn định, lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội; đã tổ chức thành công Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2017. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, nổi bật là đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa và trung tâm hành chính công cấp huyện, tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân trong quá trình giải quyết công việc; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác thanh tra được quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần tích cực vào việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể được tăng cường, thiết thực và hiệu quả hơn.
Phấn khởi về những thành tích đã đạt được nêu trên; song, với tính chiến đấu cao và tinh thần cầu thị, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh, đó là: Có 3 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị không đạt kế hoạch(1); giá thịt lợn hơi xuống thấp, năng suất mía nguyên liệu thấp; vi phạm các quy định trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đẩy lùi ở nhiều địa phương; tiến độ thực hiện một số dự án công nghiệp chủ lực chậm so với kế hoạch; một số sản phẩm công nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch như: Điện sản xuất, đường, bia; công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm; quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế; hoàn vốn tạm ứng, hoàn thành quyết toán chậm so với quy định; công tác giải phóng mặt bằng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu; vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên, khoáng sản còn xảy ra ở một số địa phương; các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm được xử lý; lạm thu trong các cơ sở giáo dục còn diễn ra; doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn ở mức cao; còn vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế; trong năm còn để xảy ra 11 vụ đình công tại doanh nghiệp, tăng 2 vụ so với cùng kỳ.
Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, đánh giá sát đúng thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, tỉnh ta đã xác định các mục tiêu phát triển năm 2018 là: Tốc độ tăng trưởng GRDP(2) đạt 15% trở lên trong trường hợp Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có sản phẩm thương mại và đạt công suất bằng 43% công suất thiết kế (tương đương 3,5 triệu tấn sản phẩm); GRDP bình quân đầu người đạt 1.950 USD; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.950 triệu USD; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 103.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 21.817 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 13.142 tỷ đồng; thành lập mới 3.000 doanh nghiệp; giải quyết việc làm cho 66.000 lao động, trong đó xuất khẩu 10.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,5% trở lên.
Các mục tiêu đặt ra cho năm 2018 có tính phấn đấu cao; để đạt được điều đó, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, nhất là các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5, thứ 6 (khóa XII); sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương và kịp thời tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Một là, khẩn trương rà soát, đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020; từ đó, bổ sung kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hiệu quả để tập trung chỉ đạo, điều hành, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Hai là, hoàn thành các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040; trên cơ sở quy hoạch để cụ thể hóa 5 trụ cột tăng trưởng (gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế; hạ tầng và đô thị). Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là đổi mới, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 và hướng dẫn của Trung ương.
Ba là, tập trung thu hút và khơi thông các dòng vốn cho đầu tư phát triển; chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo thuận lợi để triển khai các dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, trọng tâm là triển khai hiệu quả công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện nghiêm cải cách thủ tục hành chính giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai và các nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; khuyến khích thực hiện các dự án đối tác công tư; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các dự án xã hội hóa, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao, văn hóa, xã hội.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trên cơ sở nghiên cứu các cơ chế, chính sách đủ mạnh phục vụ tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ trang trại đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; quan tâm phát triển các ngành dịch vụ mà tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển như: Du lịch, vận tải, thương mại, logistics, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục và y tế chất lượng cao, kinh doanh bất động sản.
Năm là, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp hỗ trợ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Sáu là, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc như: ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quá tải tại các bệnh viện công lập, khai thác khoáng sản trái phép, xe chở quá tải, lạm thu tại các trường học, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, đình công, nghỉ việc tập thể.
Nguyễn Đình Xứng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh