Quy hoạch phát triển đồng bộ ngành dệt may

Đăng lúc: 11:21:22 07/04/2017 (GMT+7)

Ngành công nghiệp may phát triển với tốc độ nhanh trong những năm gần đây đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động cũng như bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

 
 
Công nhân Công ty TNHH Sakurai (CKN Lễ Môn) trong ca sản xuất.

 
Tuy nhiên, theo đánh giá, sản phẩm của ngành may mặc trên địa bàn tỉnh còn đơn điệu, chủ yếu may gia công theo đơn đặt hàng của đối tác. Hơn nữa, 90% các nguyên, phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến thiếu chủ động và hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh ta sẽ thực hiện quy hoạch khu liên hợp sợi, dệt, nhuộm tại các khu công nghiệp. Ngành dệt phấn đấu đến năm 2020 sản xuất được 28 triệu mét vải các loại trở lên, đến năm 2025 sản xuất đạt 64 triệu mét vải. Với ngành may mặc, phấn đấu đến năm 2020 đạt 170 triệu sản phẩm trở lên; năm 2025 đạt 229 triệu sản phẩm trở lên. Thực hiện đầu tư 59 các dự án may mặc phân bố theo không gian và vùng lãnh thổ.

Với các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, việc thực hiện quy hoạch này được dự báo có tính khả thi. Bằng chứng của vấn đề này là số lượng các nhà máy may, giá trị xuất khẩu ngành may mặc ngày càng tăng lên trong những năm gần đây. Trong đó có nhiều nhà máy có quy mô lớn 4.000 - 5.000 công nhân. Tuy nhiên, thách thức của công nghiệp may mặc Thanh Hóa không nằm ngoài thách thức chung của ngành dệt may Việt Nam (trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đó là quy mô nhỏ, kỹ thuật công nghệ còn lạc hậu, khâu quản trị và phát triển mẫu mã còn kém. Ngành may mặc trong tỉnh đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài.

Việc thực hiện đầu tư, phát triển ngành dệt cũng đang đứng trước không ít khó khăn, nếu không muốn nói là khó thực hiện. Bất cập lớn nhất của việc phát triển công nghiệp dệt là gây ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước do quá trình sử dụng hóa chất dệt nhuộm, đòi hỏi việc đầu tư dự án khá tốn kém. Không những vậy, vấn đề cạnh tranh thị trường, giá cả với nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khiến không ít nhà đầu tư lo ngại.

Thực tế, từ năm 2012 đến nay, đã có 11 dự án dệt, nhuộm trên địa bàn tỉnh được các nhà đầu tư nghiên cứu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được triển khai. Điển hình như tại Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta, với 40% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ, ngay từ năm 2012, công ty đã đi khảo sát để thực hiện đầu tư Dự án “Khu liên hợp sản xuất và phúc lợi Delta” với diện tích 10 ha, quy mô 4 xưởng may và 1 nhà máy dệt công suất 15.000 mét vải/năm cùng nhiều công trình phụ trợ, phúc lợi khác. Tuy nhiên, do lĩnh vực dệt nhuộm gây tác động lớn đến môi trường nên hạng mục xây dựng nhà máy dệt theo quy hoạch tại xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) khó thực hiện. Đầu năm 2015, công ty cũng đã xây dựng Dự án “Khu sản xuất dệt nhuộm Delta” để chủ động nguồn nguyên liệu, tạo ra chuỗi khép kín trong sản xuất dệt may. Vậy nhưng, sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, dự án vẫn không thực hiện được vì không quy hoạch được địa điểm phù hợp.

Về vấn đề cạnh tranh với nguyên liệu từ Trung Quốc, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tiên Sơn, chia sẻ: Hiện nay, một số nhà máy dệt trên địa bàn cả nước đang trong tình trạng “đắp chiếu” do chưa chủ động được nguyên liệu đầu vào, giá cả nguyên liệu lại biến động thất thường. Chất lượng, chủng loại, thời gian cung ứng hàng cho may hạn chế. Thiết bị thiếu đồng bộ, khả năng quản lý sản xuất yếu, chưa tạo được mẫu mã thích hợp cho ngành may. Do đó, việc thu hút đầu tư nhà máy dệt không phải là điều dễ dàng khi nhà đầu tư chưa thấy thị trường tiêu thụ ổn định.

Tại hội nghị quy hoạch ngành dệt may đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, lãnh đạo các ngành cũng đã có những phân tích thấu đáo mọi vấn đề trong việc có nên hay không nên quy hoạch, phát triển khu dệt nhuộm tại tỉnh ta. Ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: Để ngành công nghiệp may mặc trong tỉnh phát triển một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới, việc quy hoạch, xây dựng khu liên hợp dệt, nhuộm là tất yếu. Tuy nhiên, tỉnh cần sớm quy hoạch vị trí cùng những chính sách ưu đãi đầu tư thích hợp. Đồng thời, có chính sách ưu tiên, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp dệt để giải quyết khâu cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm may mặc. Sau khi thảo luận, hội nghị đã thống nhất quy hoạch dự án dệt tại Khu Kinh tế Nghi Sơn để thuận lợi trong vấn đề thu hút đầu tư và xử lý môi trường do tại đây đã có nhiều nhà máy có trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, phù hợp công nghệ dệt nhuộm.

Để ngành công nghiệp dệt may trong tỉnh đáp ứng được trở thành một chuỗi liên kết khép kín, mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong thời gian tới, các ngành liên quan cần tham mưu cho tỉnh những giải pháp thu hút đầu tư hiệu quả. Trong đó, việc tìm kiếm và hợp tác với những đối tác hàng đầu thế giới về thiết bị và nguyên phụ liệu ngành dệt sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của ngành dệt may của tỉnh trong tương lai.

Báo Thanh Hóa

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995