Ngày 26-12, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, hội nghị Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã thảo luận và cho ý kiến vào Đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Đồ án).
Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; đại diện các Ban Trung ương Đảng; lãnh đạo các văn phòng: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh.
Sơ đồ điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Sơ đồ điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Sau 11 năm thành lập, KKT Nghi Sơn đã và đang khẳng định được là một KKT ven biển có sức hấp dẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư; có hệ thống kỹ thuật hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, quy hoạch chung được phê duyệt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của KKT. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về mở rộng phạm vi KKT Nghi Sơn. Theo đó, diện tích KKT Nghi Sơn sẽ được mở rộng từ 18.611,8 ha lên 106.000 ha, bao gồm 66.497,57 ha đất liền và đảo; 39.502,43 ha mặt nước.
Chuyên gia tư vấn quốc tế Nhật Bản trình bày Đồ án.
Việc điều chỉnh mở rộng KKT Nghi Sơn nhằm tranh thủ thời cơ, vận hội thuận lợi để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của KKT và tỉnh Thanh Hóa cho phát triển nhanh và bền vững trong xu thế hội nhập toàn cầu sớm đưa KKT Nghi Sơn trở thành một trọng điểm kinh tế ven biển năng động với chức năng đô thị - công nghiệp – dịch vụ - du lịch. Theo Đồ án, KKT Nghi Sơn sẽ trải qua 4 thời kỳ phát triển quan trọng đó là: Thời kỳ phát triển những năm 2020, giai đoạn đầu thời kỳ công nghiệp hóa, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, hình thành đô thị...; thời kỳ triển khai 1 những năm 2030, giai đoạn giữa thời kỳ công nghiệp hóa, tập trung thu hút doanh nghiệp, phát triển công nghệ thông tin ITC, hình thành đô thị và phát triển du lịch dịch vụ; thời kỳ triển khai 2 những năm 2040, giai đoạn cuối thời kỳ công nghiệp hóa, tập trung thay đổi ngành ưu tiên thu hút công nghiệp nhẹ, tiêu tốn ít năng lượng...; thời kỳ trưởng thành những năm 2050, giai đoạn trưởng thành và ổn định, tập trung bảo vệ tài nguyên, bảo tồn lịch sử, văn hóa, môi trường tự nhiên. Về định hướng không gian phát triển, ý tưởng chủ đạo của đồ án chia làm 2 vành đai, 5 trung tâm, 1 trục thần đạo, lấy Tĩnh Gia làm trung tâm tổng hợp của khu vực; xây dựng KKT Nghi Sơn thành khu vực phát triển động lực, đột phá, nhanh và bền vững, một trọng điểm phát triển ở phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; là trung tâm thu hút về đầu tư và trung chuyển hàng hóa của vùng và khu vực; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Ý kiến thảo luận của các đồng chí Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đều cho rằng việc xây dựng đồ án là rất cần thiết và rất quan trọng. Đây là đồ án lớn có tác động sâu rộng đến việc đầu tư và phát triển KKT Nghi Sơn trong tương lai, nên rất cần nghiên cứu kỹ càng thấu đáo, có định hướng cụ thể để mở ra nhiều cơ hội mới thuận lợi, tạo sức hút các nhà đầu tư. Chính vì vậy, đơn vị tư vấn và các chuyên gia tư vấn quốc tế Nhật Bản cần có những ý tưởng đột phá, chiến lược lâu dài. Trong quy hoạch cần tuân thủ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, xác định được tiềm năng, thế mạnh của KKT Nghi Sơn, có sự so sánh với những KKT khác trong cả nước, tạo được sự đặc trưng khác biệt riêng cho KKT Nghi Sơn. Cần quan tâm đến phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến chế tạo, phát huy cảng biển và du lịch để kết nối các vùng trong tỉnh, trong đó, khi quy hoạch công nghiệp cần phân khu chức năng cho từng loại hình sản xuất công nghiệp, không nên quy hoạch theo kiểu dàn trải. Cùng với đó, cần quan tâm đến công tác giữ gìn, bảo đảm môi trường và có biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển phải luôn giữ gìn văn hóa truyền thống của địa phương...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến kết luận hội nghị.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: Đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 là việc rất hệ trọng, có tính định hướng lâu dài, làm cơ sở để khai thác tiềm năng, thế mạnh của KKT Nghi Sơn một cách tốt nhất, tạo động lực cho xu hướng phát triển chung của tỉnh. Chính vì vậy, Thường trực Tỉnh ủy rất quan tâm và chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan mời những chuyên gia tư vấn quốc tế của Nhật Bản có kinh nghiệm về quy hoạch nghiên cứu xây dựng đồ án.
Qua xem xét đồ án và những ý kiến thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn và các chuyên gia cần nghiên cứu điều chỉnh đồ án xác định mục tiêu là xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn thành “Thành phố công nghiệp, thân thiện” trong tương lai. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch. Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cần nghiên cứu có thể mời thêm các đơn vị tư vấn quy hoạch nổi tiếng vào nghiên cứu để có định hướng quy hoạch xây dựng KKT Nghi Sơn mang tính hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh cao. Đồ án quy hoạch cần làm rõ được những định hướng cụ thể, đột phá, phát triển nhanh và bền vững, trong đó cần xác định KKT Nghi Sơn ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, cảng biển và dịch vụ logistics làm hạt nhân. Đặc biệt ưu tiên đến lọc hóa dầu; có hướng phát triển quy hoạch kho trung chuyển xăng dầu, những sản phẩm từ lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất sau lọc hóa dầu; quan tâm đến sản xuất xi măng và thép, cơ khí chế tạo. Có nghiên cứu định hướng phát triển cảng biển và kinh tế biển, vận tải biển. Đối với hệ thống giao thông cần nghiên cứu xây dựng mạng lưới giao thông có tính kết nối với nước bạn Lào và các nước ASEAN. Quan tâm đến công tác xử lý rác thải và bảo vệ môi trường, có tính toán với thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ gìn truyền thống văn hóa địa phương. Về tầm nhìn, cần chỉ rõ giai đoạn phát triển theo hướng 5 năm một giai đoạn, xác định mục tiêu triển khai cho từng giai đoạn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành, điều chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy báo cáo BTV Tỉnh ủy trước 31-3-2018.