Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao

Đăng lúc: 08:14:53 08/10/2018 (GMT+7)

(THO) - Nhờ sự linh hoạt, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm, những năm qua, nhân dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất để hình thành những vùng chuyên canh sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ nông nghiệp.

 
Cây bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Yên Ninh (Yên Định). 
 
Để hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện tích tụ ruộng đất tập trung và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích 10.089,8 ha (trong đó trồng trọt 2.348 ha, chăn nuôi 6.093,4 ha và thủy sản 1.648,4 ha) với sự tham gia của 51 doanh nghiệp, 11 HTX và 5.861 hộ gia đình. Trong quá trình phát triển, trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn thuê 280 ha đất tại các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn để xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ; Công ty CP Giống cây trồng Trung ương và Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa thuê đất tại các huyện Yên Định, Nông Cống, Đông Sơn mỗi vụ 600 ha để liên kết hình thành vùng sản xuất giống lúa, ngô; người dân các xã Bắc Lương (Thọ Xuân), Yên Ninh (Yên Định) đã dồn đổi, tích tụ ruộng đất, cải tạo vườn tạp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành những vùng chuyên canh cây bưởi Diễn... Những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp trên đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 đến 2 lần trở lên.
 
Cánh đồng chuyên canh cây rau màu đã trở thành “điểm nhấn” góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa). Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành được vùng chuyên canh cây rau màu với diện tích hơn 40 ha, sản xuất luân canh 4 vụ/năm. Thông tin của UBND xã cho biết, các loại rau màu sản xuất trên vùng chuyên canh, năng suất bình quân hằng năm đều tăng từ 15 đến 22% so với sản xuất đại trà. Qua đánh giá thực tế, cùng một loại giống, được áp dụng phương pháp “4 cùng”  nên quá trình tổ chức sản xuất thuận lợi, giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Chủ trương xây dựng vùng chuyên canh rau màu nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân từ những ngày đầu triển khai. Từ đó, nông dân tham gia vào vùng sản xuất đều nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học và các quy trình sản xuất mới vào sản xuất. Đơn cử như việc sản xuất cây đậu leo, trước kia người dân chỉ đơn thuần là cắm dàn để cây leo, nhưng khi hình thành vùng chuyên canh, được tập huấn kỹ thuật, bà con đã định hình việc cắm giàn sao cho đúng quy chuẩn để cây vừa sinh trưởng, phát triển tốt, vừa tạo được mỹ quan, thuận lợi trong việc thu hoạch và tận dụng được hệ thống dàn để sản xuất những vụ tiếp theo. Ông Cao Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Giang, cho biết: Trên vùng chuyên canh sản xuất rau màu, bà con trong xã chủ yếu trồng các loại mướp, đậu leo và rau màu theo thời vụ. Gần đây, kỹ thuật sản xuất của người dân được nâng cao, bà con bắt đầu sản xuất rau màu trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Doanh thu bình quân của vùng sản xuất chuyên canh đạt từ 200 triệu đồng/ha trở lên, đối với rau màu trái vụ doanh thu có thể đạt tới 450 triệu đồng/ha/năm. Nhờ có vùng chuyên canh sản xuất rau màu, giá trị sản xuất bình quân của xã đạt 165 triệu đồng/ha canh tác/năm.
 
Cây bưởi Diễn đã bén duyên với xã Yên Ninh (Yên Định) từ năm 2008, địa phương đã hình thành vùng chuyên canh trồng cây bưởi Diễn tập trung ở các thôn Trịnh Xá 1, 2 với diện tích gần 80 ha (trong đó, 40 ha trồng tập trung, 40 ha trồng theo diện cải tạo vườn tạp). Thời điểm này, bưởi Diễn đã bắt đầu chín, các nhà vườn đang đón thương lái về thu mua để chuẩn bị cung ứng cho thị trường. Ông Trịnh Bá Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cây bưởi Diễn được một số hộ dân trồng thí điểm cách đây gần 10 năm, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng trước đó trên cùng một đơn vị diện tích. Xác định cây bưởi Diễn và các loại cây ăn quả có múi khác là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo thương hiệu và đặc sản riêng của địa phương, xã đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 mở rộng diện tích lên 230 ha. Hiện trung bình mỗi ha bưởi Diễn cho thu nhập từ 600 triệu đồng đến 700 triệu đồng/năm. Thông thường vào thời điểm quả chuyển màu từ xanh sang vàng là khách hàng từ nhiều nơi đến tận vườn đặt cọc, hẹn ngày hái quả, người làm vườn cũng không phải lo đầu ra. Nhớ lại những ngày đầu, khi đưa cây bưởi Diễn về đồng đất xã Yên Ninh, anh Trịnh Trọng Tư, chủ vườn, chia sẻ: Cánh đồng Hón Éo thôn Trịnh Xá này vốn là sâu trũng, đất nhiễm phèn nặng nên chỉ canh tác được 1 vụ lúa. Qua việc đưa chất đất đi khảo nghiệm sinh hóa và được tham quan nhiều mô hình sản xuất, gia đình quyết tâm trồng thử nghiệm cây bưởi Diễn. Cùng với diện tích ruộng hiện có, năm 2010, gia đình anh đã xin xã đấu thầu diện tích hơn 3 ha để trồng 600 gốc bưởi Diễn. Sau 5 năm, vườn bưởi Diễn đã cho thu hoạch, thu nhập bình quân đạt 600 triệu đồng/ha/năm. 
 
Thực tế sản xuất ở nhiều địa phương đã khẳng định hiệu quả kinh tế của những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Đó là, người dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với chuỗi liên doanh, liên kết sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao.
 
 

Bài và ảnh: Lê Hòa (baothanhhoa.vn)

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995