Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2015

Đăng lúc: 14:45:00 01/04/2016 (GMT+7)

Sáng 31/3, VCCI phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015 tại Hà Nội. Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa nhằm ở vị trí thứ 10 ( 60,74 điểm), thuộc nhóm tỉnh được đánh giá tốt.

 
AVBA

Các khách mời đến tham dự chương trình

 Đây là lần thứ 11 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Tham dự chương trình có sự góp mặt của: TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI; bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký VCCI; ông Ted Osius – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Joakim Parker – Giám đốc đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), cùng ông Haike Manning – Đại sứ NewZealand tại Việt Nam; ông Tommer Heyvi – Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam; ông Yuen Sing Hong – Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam… cùng đại diện UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam…

CPI 2015-ong-loc

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI đã xuất bản cuốn sách về PCI 2015. Trong quyển báo cáo này, VCCI đã chọn rất nhiều màu xanh – biểu tượng Nhịp trống (Drum beat) trong bức tranh của Hoạ sỹ Henry Appiah người Ghana làm bìa trang nhất và chủ đề của toàn bộ báo cáo và sự kiện công bố PCI 2015.

Theo ông Lộc, tiếng trống thể hiện không khí gấp gáp, thúc giục các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng cải cách, mau chóng đổi mới chất lượng điều hành, gấp rút cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, chưa bao giờ khu vực tư nhân được nhắc nhiều như giai đoạn hiện nay. Đại hội Đảng đã khẳng định trong vòng 5 năm tới, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân luôn là một khu vực quan trọng đối với nền kinh tế thị trường Việt Nam cũng như bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Suốt chặng đường 10 năm qua, VCCI đã lắng nghe tiếng nói của khu vực tư nhân và lễ công bố này là nơi phản ảnh tiếng nói của khu vực  tư nhân.

Đúng như nhận định của các nhà kinh tế, hiếm có thể chế nào giúp cho việc cải cách như PCI. Căn cứ vào bảng xếp hạng của PCI, các tỉnh đã cải thiện môi trường đầu tư cũng như học hỏi được những kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt từ những nơi khác để áp dụng tại địa phương mình. Các đại biểu dân cử và hiệp hội doanh nghiệp sử dụng PCI để giám sát hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cấp địa phương. Các nhà hoạch định chính sách trung ương tham khảo các chỉ tiêu của PCI làm tiêu chí đánh giá cho nhiều chính sách cải cách kinh tế. Giới nghiên cứu, học giả từ khắp nơi trên thế giới khai thác bộ dữ liệu PCI cho các nghiên cứu, phân tích khoa học của mình.

Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ sự cảm ơn tới các địa phương đã đồng hành cùng VCCI để cải thiện môi trường đầu tư cũng như thể chế.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết thêm, một chỉ báo quan trọng của PCI đó là khu vực tư nhân và DN FDI đã tham gia vào cuộc điều tra nhiều hơn trước. Lần đầu tiên có hơn 11 vạn doanh nghiệp đã góp tiếng nói của mình để PCI có thể đến được với các cơ quan Chính phủ. “Tôi cho rằng đó là chỉ báo quan trọng, PCI trên thực tế đã trở thành niềm vui và nỗi buồn của các địa phương cũng như là niềm vui và nỗi buồn của VCCI” – ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng bày tỏ niềm vui trong các năm qua đã có sự cải thiện chỉ số xếp hạng của nhiều địa phương, trong đó đáng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực cao của Đà Nẵng đã giữ vững vị trí cao nhất trong mấy năm liền.

Có rất nhiều mô hình không thể kể ra được nhưng việc tìm ra những mô hình mới để cải cách là vấn đề quan trọng. Đó là vấn đề sáng tạo của DN. Có rất nhiều mô hình như mô hình đăng ký kinh doanh, mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công…đang phát huy hiệu quả tích cực.

“Tôi rất mong trong những cuộc điều tra PCI tới nên có sự bày tỏ của doanh nghiệp thông qua việc có thêm mục sự hiến kế của doanh nghiệp đối với sự cải cách về môi trường kinh doanh. Tôi chắc chắc sẽ có những sáng kiến hay” – ông Lộc đề nghị.

Ông Lộc cho rằng trong PCI 2015, môi trường đầu tư và sự cạnh tranh vẫn chưa bình đẳng và mong muốn 2 chỉ số này sẽ có sự thay đổi trong các cuộc điều tra PCI các năm sau…

CPI-2015-ong-ted

Ông Ted Osius – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

Chia sẻ tại lễ công bố, ông Ted Osius – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 11 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Bộ chỉ số đã giúp các địa phương đẩy mạnh khai thác môi trường kinh doanh, tích cực làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác từ đó có những cải thiện và cách làm sáng tạo để nâng cao thứ tự xếp hạng.

“Nhân dịp này tôi xin được chúc mừng những địa phương trong nhóm xếp hạng cao nhất và những địa phương đã tiến bộ trong năm nay. Tôi cũng xin chúc mừng VCCI đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam” – ông Ted Osius chia sẻ.

Trình bày kết quả PCI 2015, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Được thực hiện năm thứ 11 liên tiếp, báo cáo PCI đại diện cho tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.

Chỉ số PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

CPI-2015-ong-tuan

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI

Phương pháp luận PCI: Chỉ số PCI được xây dựng theo quy trình 3 bước, gồm: (i) Thu thập thông tin từ dữ liệu điều tra và các nguồn dữ liệu đã công bố khác; (ii) Tính toán 10 chỉ số thành phần và chuẩn hóa trên thang điểm 10; và (iii) Gán trọng số và tính điểm số PCI tổng hợp gồm điểm trung bình của 10 chỉ số thành phần trên thang điểm tối đa 100.

Chọn mẫu: Doanh nghiệp tham gia điều tra PCI được chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng nhằm đảm bảo tính đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tại từng tỉnh, theo các tiêu chí: tuổi doanh nghiệp, loại hình kinh doanh và ngành nghề.

Quy mô mẫu: Tổng số doanh nghiệp tham gia phản hồi điều tra PCI năm 2015 là 8.335 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ gần 30%. Nếu loại trừ số doanh nghiệp không liên hệ được do sai địa chỉ hoặc đã đóng cửa doanh nghiệp, tỉ lệ phản hồi điều tra thực tế lên tới 60%.

Doanh nghiệp mới thành lập: Năm nay, điều tra PCI mở rộng, chọn ngẫu nhiên 1.823 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 nhằm đánh giá chính xác hơn công tác đăng ký doanh nghiệp ở các địa phương.

Cũng theo ông Tuấn, kết quả điều tra PCI 2015 cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Tỉ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn tiếp tục tăng nhẹ (10,9%). Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, trung bình là 16,5 tỉ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (12%) so với mức đáy của năm 2012.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh: Năm 2015, gần một nửa (49%) doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, lần lượt tăng 3% và 16% so với năm 2014 và 2013. Đây cũng là mức cao nhất của chỉ tiêu này trong vòng 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây.

Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu

Theo kết quả điều tra, điểm trung vị PCI 2015 tương đối ổn định đạt 58,47 điểm, tương đương mức điểm năm 2014 nhưng cải thiện đáng kể và có ý nghĩa so với năm 2013. Lần đầu tiên sau 4 năm, khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và cuối bảng đã bắt đầu được nới rộng.

Đây có thể là tín hiệu cho thấy các tỉnh “ngôi sao” đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới. Cụ thể, điểm số PCI của Đà Nẵng hiện đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2012, gần 1,5 điểm. Trong khi đó, PCI của tỉnh thấp nhất đã giảm hơn 1 điểm, quay về mốc điểm xuất phát năm 2013 (48,9 điểm).

chi-so-PCI-2015

Năm 2015 là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 68,34, ghi nhận lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.

Trung tâm hành chính tập trung của thành phố đi vào hoạt động từ tháng 9/2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức.

Tỉnh có số điểm cao xuất sắc thứ 2 là Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm). Đây là những tỉnh đứng đầu của bảng xếp hạng với nhiều sáng kiến cải cách trong cải cách hành chính như tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ. Hai địa phương tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt của PCI 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm). Tỉnh Thanh Hóa nhằm ở vị trí thứ 10 ( 60,74 điểm), thuộc nhóm tỉnh được đánh giá tốt

Các thay đổi trong điều hành kinh tế cấp tỉnh

Khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Chi phí thời gian.

cac-xu-huong-tich-cuc

Đối với vấn đề gia nhập thị trường: Thời gian chờ đăng ký và cấp giấy đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức kỉ lục trong vòng 11 năm điều tra PCI. Hiện nay, kể cả thời gian chuẩn bị hồ sơ và đi lại, một doanh nghiệp trung bình chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong tay, thay vì 10-12 ngày như trước. Thời gian để chuẩn bị và hoàn tất sửa đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ 7 xuống 5 ngày. Lưu ý rằng con số thời gian này đo lường thời gian thực tế mà doanh nghiệp thực hiện chứ không phải thời gian thủ tục ghi nhận tại các phòng đăng ký kinh doanh.

Tính minh bạch: Khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch cấp tỉnh như bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng được cải thiện. Đặc biệt, điểm số website trung bình của các địa phương tăng cao nhất trong 3 năm qua (30/54 điểm), khi website, cổng thông tin điện tử của chính quyền các tỉnh, thành phố dần trở thành kênh cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Tỉ lệ doanh nghiệp truy cập vào cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố tăng mạnh từ 64% (2014) lên 72%.

CPI-2015-toan-canh1

Các hiệp hội doanh nghiệp địa phương cũng dần nâng cao được vai trò của mình trong công tác xây dựng và phản biện chính sách, với 43% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao vai trò này của các hiệp hội.

Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính: Năm 2015 cũng đánh dấu những cải thiện trong công tác cải cách hành chính với nhiều doanh nghiệp nhỏ ghi nhận thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn (51%), doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký (61%), cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả (67%) và thân thiện, nhiệt tình (59%).

Đặc biệt, các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế cũng được ghi nhận rõ nét. Hiện nay, thời gian thanh tra thuế đã giảm đáng kể từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ đối với trung bình một cuộc thanh tra, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên theo nhóm nghiên cứu, trong các lĩnh vực đã có sự thay đổi thì các lĩnh vực sau cũng cần có sự cải thiện như:

Chi phí không chính thức: Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với 2014 (10%). Vẫn có 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.

cac-xu-huong-dang-quan-ngai-PCI

Cạnh tranh chưa bình đẳng: Tại tỉnh trung vị trong khảo sát PCI 2015, 39% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”, tăng 4% (có ý nghĩa về mặt thống kê) so với năm 2014. Đồng thời, gần 49% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, tăng 6% so với năm trước đó.

Chỉ số cơ sở hạ tầng, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Vĩnh Phúc và thành phố Hồ Chí Minh là 5 tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp dân doanh đánh giá tốt nhất về cơ sở hạ tầng.

Môi trường kinh doanh Việt Nam qua lăng kính DNNVV

Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo Sách Trắng DNNVV Việt Nam năm 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, có tới 97,6% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là các DNNVV. Khu vực này giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của bất cứ một địa phương hay quốc gia nào.

Được thiết kế riêng, phục vụ cho quá trình xây dựng dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV, báo cáo PCI 2015 đã dành một chương để phản ánh ý kiến của các DNNVV về môi trường kinh doanh năm 2015 trên cơ sở kết quả khảo sát doanh nghiệp. Một báo cáo riêng chi tiết hơn về những vấn đề mà DNNVV gặp phải sẽ được VCCI hoàn thành và công bố trong năm 2016. Đây là một nỗ lực của VCCI và USAID do sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong thời gian tới. Dưới đây là tóm lược bức tranh toàn cảnh về những khó khăn, thuận lợi của các DNNVV từ khi khởi sự kinh doanh cho tới cả quá trình hoạt động:

Theo báo cáo, phần lớn DNNVV hình thành từ hộ kinh doanh: Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ các mô hình sản xuất gia đình, cá thể nhỏ lẻ, khi có cơ hội kinh doanh thì thành lập doanh nghiệp. Khảo sát PCI 2015 cho thấy có tới 77% các doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ mô hình hộ kinh doanh.

Trình độ học vấn chung của chủ DNNVV tương đối cao và xuất thân đa dạng: Đa phần chủ DNNVV tốt nghiệp đại học (gần 60%). Một số chủ doanh nghiệp từng là lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước (3-5%), một số từng làm công tác quản lý tại DNNN (8-11%) và có không ít người đã từng làm nhân viên tại DNNN (14-15%).

Phụ thuộc vào thị trường nội địa. Các doanh nghiệp dân doanh trong nước phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngay cả các doanh nghiệp lớn trong nước, việc vươn được ra thị trường nước ngoài vẫn ở một tỉ lệ rất khiêm tốn (24%). Kết quả này góp phần lý giải cho tỷ trọng 70,7% của khối doanh nghiệp FDI trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2015.

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị nhiều hơn để tận dụng các cơ hội thương mại đến từ các hiệp định lớn như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP).

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó lớn?

Theo báo cáo, nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều hạn chế trong nắm bắt cơ hội thị trường: Thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, cảm nhận về thị trường, lợi nhuận hay sự hỗ trợ của chính quyền địa phương không được như kỳ vọng lúc khởi sự. Khoảng 20% doanh nghiệp siêu nhỏ và 14% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nhận thấy những cơ hội thị trường kém hơn so với kỳ vọng ban đầu, trong khi đó con số này của các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là 6%. Khoảng 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 29% doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa cho biết khả năng cạnh tranh trên thị trường tệ hơn so với kỳ vọng, con số này của các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là 22%

Kết quả hoạt động kinh doanh ảm đạm: Thực tế cho thấy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV năm 2014 tệ hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ các DNNVV thua lỗ tương đối cao: 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa đã mất vốn trong năm gần nhất, trong khi chỉ khoảng 10% doanh nghiệp lớn cùng chung cảnh ngộ này.

Mức độ lạc quan thấp: Chỉ có 43% doanh nghiệp siêu nhỏ, 54% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và doanh nghiệp quy mô lớn, con số này đều là 66%.

Đánh giá về chất lượng điều hành kém tích cực: Đánh giá về môi trường kinh doanh tại các địa phương năm 2015, DNNVV có cảm nhận tiêu cực hơn các doanh nghiệp lớn trên một số lĩnh vực: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp.

CPI-2015-toan-canh2

87% DNNVV có đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh song chỉ một nửa trong số này có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ 22% doanh nghiệp siêu nhỏ, 24% doanh nghiệp nhỏ và 29% doanh nghiệp quy mô vừa đánh giá mức độ ổn định của mặt bằng kinh doanh là cao hoặc rất cao; tỷ lệ này của các doanh nghiệp quy mô lớn là 31%.

Khoảng 75% các DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, 54% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”.

Khoảng 65% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho biết hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên.

DNNVV cũng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ 20-30% doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng các dịch vụ này. Ngoài ra, chỉ 51-61% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm doanh nghiệp lớn (77%).

Những gánh nặng khiến DNNVV ngại lớn

Thanh tra, kiểm tra: Năm gần nhất, 74% doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực. Có một hiện tượng đáng lo ngại là các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao. Các DNNVV thông thường phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra (trung vị) trong năm. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Ngoài ra, 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra bị trùng lặp.

Thủ tục hành chính: 54% doanh nghiệp siêu nhỏ và 49% doanh nghiệp nhỏ đồng ý với nhận định “Thủ tục giấy tờ là đơn giản”. Các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường, và thanh toán qua kho bạc đều là những lĩnh vực mà tỷ lệ doanh nghiệp thấy phiền hà gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp.

DNNVV thời gian qua chưa phát triển mạnh mẽ bởi còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, khó khăn trong nắm bắt thông tin chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng về chi phí không chính thức, chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chất lượng cao với chi phí phù hợp.

Báo cáo cho thấy thực tế đáng lo ngại là quy mô doanh nghiệp càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước càng gia tăng.

Để thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV Việt Nam trong thời gian tới, cần tháo gỡ những khó khăn và rào cản mà nhóm doanh nghiệp này đang gặp phải. Cụ thể:

– Cần thiết kế các chính sách hỗ trợ DNNVV phù hợp với các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Đối với giai đoạn mới thành lập và đi vào hoạt động, cần giúp các doanh nghiệp ứng phó với các thách thức về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp, hỗ trợ về thủ tục hành chính.

– Nâng cao hiệu quả công tác thông tin về chính sách, pháp luật liên quan tới các DNNVV. Các thông tin về quy hoạch, kế hoạch tại các tỉnh thành phố cần cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin của các tỉnh thành phố, nên là những thông tin chi tiết, dễ sử dụng đối với DNNVV. Cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh cũng là cách giảm bớt và xóa bỏ các chi phí không chính thức mà các DNNVV đang phải gánh chịu.

– Cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó cần xác định đúng đối tượng thụ hưởng là các DNNVV. Các cơ quan chính quyền địa phương cần tính toán rút khỏi việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chuyển giao cho các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân thực hiện chức năng này, nhà nước nên tập trung vào chức năng hoạch định chính sách và giám sát chất lượng dịch vụ.

– Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các TTHC theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận với doanh nghiệp và người dân. Trong đó cần tập trung vào một số lĩnh vực mà các DNNVV hiện đang gặp nhiều phiền hà như bảo hiểm xã hội, đất đai, thuế, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, thanh toán qua kho bạc. Đồng thời, cần giảm bớt gánh nặng về thanh kiểm tra cho các doanh nghiệp, đặc biệt tránh trùng lặp, chồng chéo

– Cuối cùng, quá trình xây dựng những chính sách, pháp luật này cần mang tính hệ thống và có sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều bộ, ngành, cả trung ương và địa phương. Cần tăng cường tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những mong muốn và nhu cầu thực sự của các DNNVV.

Trình bày kết quả điều tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Michael A. Trueblood – Giám đốc Phòng phát triển và Quản trị Nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết, đây là năm thứ 6 nhóm nghiên cứu đưa các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam vào khảo sát.

Năm 2015, nhóm nghiên cứu đã thu thập ý kiến của 1.584 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau, hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất. Mặc dù điều tra PCI- FDI có thể không phải là khảo sát duy nhất về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhưng đây lại là điều tra lớn nhất và toàn diện nhất.

CPI-2015-ong-Michael

Ông Michael A. Trueblood – Giám đốc Phòng phát triển và Quản trị Nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID)

Theo kết quả khảo sát, năm 2015 vừa qua, 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 62% tuyển thêm lao động mới. Số lượng việc làm theo điều tra PCI-FDI được ghi nhận tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo nhiệt kế doanh nghiệp, tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới đã tăng lên nhanh chóng. Năm vừa qua, gần một nửa số doanh nghiệp trong mẫu điều tra PCI-FDI cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động.

Tương tự như kết quả điều tra PCI-FDI các năm trước, doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hướng vào xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp. Họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia, do đó họ thường nằm ở những vị trí thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm. Tương tự như nguồn vốn FDI đăng ký, đa phần các nhà đầu tư đến từ Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc.

Hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Doanh nghiệp FDI là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI, con số thâm hụt khổng lồ trong cán cân thanh toán của Việt Nam là một chỉ báo. Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt. Kết quả là, vẫn chưa thấy rõ hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao – lĩnh vực được các nhà hoạch định chính sách trong nước kỳ vọng về những tiến bộ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Báo cáo này ghi nhận sự xuất hiện của những thay đổi, bởi ngày càng có thêm các doanh nghiệp FDI ký hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khác biệt giữa các địa phương, các lĩnh vực và các quốc gia xuất xứ. Đặc biệt các doanh nghiệp FDI sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ chính nước xuất xứ.

Những khác biệt này chủ yếu là do 3 yếu tố sau tạo nên: mối liên kết, khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa và khả năng hấp thụ đầu tư của các doanh nghiệp và người lao động trong nước.

Nhằm tăng hiệu ứng lan tỏa, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo giúp nâng cao năng lực của người lao động và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, để từ đó thu lại được nhiều lợi ích từ FDI.

Khoảng cách địa lý: Hiệu quả tác động mạnh mẽ của khoảng cách về địa lý cho thấy chính sách ưu tiên hiện nay của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đối với các khu công nghiệp có thể vô hình trung làm suy giảm hiệu ứng lan tỏa.

Năng lực hấp thụ vốn: Nếu thiếu vắng những cải thiện căn bản về khả năng hấp thụ đầu tư, thì các chính sách ưu đãi thuế hay hỗ trợ khác vẫn sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

CPI-2015-toan-canh

Khoảng nửa số doanh nghiệp FDI, trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác (chủ yếu là Trung Quốc (27,9%), Thái Lan (21,2%) và Indonesia (12,6%)). Tỷ lệ cân nhắc các quốc gia này đều tăng so với năm ngoái và gần gấp đôi mức năm 2013.

Trong số nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc quốc gia đầu tư, 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác, trong khi chỉ có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia.

Khi so sánh Việt Nam với các nước khác đang cân nhắc đầu tư, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tốt ở các lĩnh vực như: mức thuế suất thấp hơn, nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ cao hơn và bất ổn chính sách thấp hơn.

Các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ chung cảm nhận là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh về chi phí không chính thức, gánh nặng thực hiện các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế và các dịch vụ công khác) và chất lượng và độ ổn định của cơ sở hạ tầng.

Cảm nhận về rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam

Các nhà đầu tư hiện tại coi Việt nam là một môi trường tương đối an toàn để đầu tư kinh doanh so với các địa điểm khác. 65% doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có ít rủi ro hơn và 30% cho rằng Việt nam có mức độ rủi ro tương tự như các quốc gia cạnh tranh khác. Những kết quả này đã được cải thiện đáng kể so với năm 2013.

Hai loại rủi ro chính mà doanh nghiệp FDI quan tâm:

Thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp FDI bày tỏ quan ngại về rủi ro kinh tế vĩ mô, do những thay đổi về nền tài chính quốc tế hoặc trong nước. Mặc dù từ năm 2010, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp để giảm thiểu những rủi ro này, song đây vẫn là mối lo ngại lớn đối với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là rủi ro về các quy định do những thay đổi về quy định khiến lợi nhuận kinh doanh của họ bị giảm sút. Đáng chú ý, vấn đề này ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2014. Các phân tích sâu hơn cho thấy nguyên nhân chính của những quan ngại này lại không đến từ các yêu cầu khi gia nhập thị trường, mà từ chính các gánh nặng quy định liên quan đến quá trình vận hành doanh nghiệp và các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Khoảng 70% số lượng các doanh nghiệp FDI cho biết họ phải bỏ ra trên 5% quỹ thời gian trong năm để giải quyết các thủ tục hành chính.

Cuối cùng, một số thay đổi đơn giản có thể mang lại dòng vốn đầu tư nhiều hơn, góp phần đổi mới và phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Việt Nam chưa thể phát triển dựa trên những lợi ích này bởi việc tiếp cận những tài liệu quan trọng, đặc biệt là tài liệu về quy hoạch và dự toán ngân sách địa phương, có chiều hướng khó khăn hơn theo thời gian.

Các doanh nghiệp FDI nhận định rằng việc tiếp cận thông tin càng khó khăn thì sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào các mối quan hệ càng lớn, dẫn đến giảm chất lượng của nguồn thông tin khi họ tiếp cận được.

Cảm nhận của doanh nghiệp về TPP

Cảm nhận của doanh nghiệp về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được đưa vào trong báo cáo PCI năm 2014. Năm 2015, cảm nhận này của doanh nghiệp được đưa vào hẳn một chương cuối của báo cáo nhằm tìm hiểu sự thay đổi quan điểm của doanh nghiệp về Hiệp định này sau khi quá trình đàm phán đã kết thúc và hình hài của các thỏa thuận đã trở nên rõ ràng Hiệp định TPP được kết thúc đàm phán vào ngày 5/10/2015 sau 7 năm thương thảo giữa các nước: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mê-hi-cô, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

12 quốc gia thành viên TPP đã ký kết hiệp định này vào ngày 4/2/2016, chính thức bắt đầu tiến trình phê chuẩn tại mỗi nước, dự kiến trong vòng 2 năm.

Khảo sát PCI đối với doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI tập trung thăm dò mức độ hiểu biết, mức độ ủng hộ hiệp định nói chung và đối với các lĩnh vực cụ thể, dự đoán về tác động của hiệp định đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, và thậm chí đánh giá mức độ tương tác của doanh nghiệp với cơ quan chính phủ và các nhà đàm phán. Các kết luận chính rút ra từ phân tích khảo sát gồm:

Mức độ nhận thức và ủng hộ dành cho TPP trong cộng đồng các doanh nghiệp nói chung đã tăng lên. Điều này là do các doanh nghiệp đã có những hiểu biết nhất định về TPP. Tỉ lệ doanh nghiệp biết tới hiệp định này tăng từ 68% năm 2014 lên 78% năm 2015. Trong khi đó, mức độ ủng hộ tăng từ 62% lên 72%.

Mức độ nhận thức và ủng hộ hiệp định của các doanh nghiệp đã tăng từ 2% đến 3% do cảm nhận rõ ràng hơn về việc Hoa Kỳ sẽ phê chuẩn hiệp định và thông qua các điều khoản đã được đàm phán. Qua đó, có thể thấy được một trong những tính toán quan trọng về lợi ích mà doanh nghiệp có được từ TPP là khả năng thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ.

Khảo sát năm 2015 cho thấy các doanh nghiệp trong nước có sự am hiểu về TPP thấp hơn (77%) so với các doanh nghiệp FDI tới từ các nước thành viên TPP (86%) và các doanh nghiệp FDI không tới từ các nước thành viên TPP (82%).

Tuy nhiên, mức độ ủng hộ TPP của các doanh nghiệp trong nước lại cao nhất (73%) so với các doanh nghiệp FDI đến từ các nước thành viên TPP (67%) và các doanh nghiệp không tới từ các nước thành viên TPP (65%).

Tác động phân phối: Khảo sát về mức độ nhận thức và ủng hộ của doanh nghiệp đối với TPP cho thấy những quan ngại về những tác động phân phối khi hiệp định này đi vào thực thi.

Kết quả so sánh cảm nhận giữa doanh nghiệp trong nước thuộc nhóm có khả năng hưởng lợi từ TPP với nhóm được dự đoán bị ảnh hưởng tiêu cực cho thấy nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng hiểu biết ít hơn về các điều khoản của TPP và có xu hướng ủng hộ ít hơn việc thông qua hiệp định này.

Ngoài ra, có sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu trong nhóm được hưởng lợi với các doanh nghiệp trong nước về mức độ hiểu biết và ủng hộ hiệp định.

Phát hiện này cung cấp một vài gợi ý chính sách cần lưu ý. Nó cho thấy những doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ TPP thường là những doanh nghiệp có sự hiểu biết rất ít về hiệp định.

Phần lớn doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều thể hiện quan điểm lạc quan, trong đó có các điều khoản về mở cửa thị trường và những vấn đề sau biên giới như quyền lợi của người lao động và DNNN.

Mức độ ủng hộ: Các nhóm doanh nghiệp khác nhau có mức ủng hộ khác nhau đối với các điều khoản cụ thể của TPP. Cụ thể: Đối với các doanh nghiệp trong nước: mức độ ủng hộ giảm đối với bốn nội dung sau: 1) mở cửa thị trường; 2) đầu tư; 3) lao động và 4) DNNN. Mức giảm đáng kể chủ yếu rơi vào nhóm các doanh nghiệp định hướng kinh doanh nội địa, dự kiến chịu ảnh hưởng tiêu cực từ TPP. Tuy nhiên mức giảm thấp hơn cũng được ghi nhận ở các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu.

Nhóm doanh nghiệp FDI đến từ các nước thành viên TPP: Các doanh nghiệp định hướng kinh doanh nội địa có mức ủng hộ rất cao đối với các điều khoản trong hiệp định, nhất là các điều khoản về đầu tư.

Ngược lại, các doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu đến từ các nước thành viên TPP vẫn giữ nguyên mức ủng hộ đối với các điều khoản về mở cửa thị trường, trong khi giảm mức ủng hộ đối với lĩnh vực đầu tư và các chương về những vấn đề sau biên giới.

Đối với nhóm doanh nghiệp FDI đến từ các nước không thuộc TPP: Những doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa vẫn bảo lưu quan điểm ủng hộ hiệp định thương mại này. Tuy nhiên những doanh nghiệp định hướng xuất khẩu lại không mấy lạc quan có lẽ do thách thức mà họ dự kiến phải đối mặt khi hiệp định có hiệu lực.


Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995