Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.

Đăng lúc: 08:44:33 19/05/2017 (GMT+7)

Ngày 17/5/2017, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (thủ đô Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2017. Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan và đông đảo cộng đồng doanh nhân, DN, các Đại sứ quán và các định chế tài chính nước ngoài cùng tham dự.

 Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn; dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Hiệp hội DN tỉnh và một số địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ,

Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn).

Tiếp đó, Hội nghị được nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam trình bày báo cáo sơ kết tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo về vấn đề tiếp cận tín dụng của DN. Theo đó, từ tháng 4/2016 đến nay, toàn quốc có hơn 120.000 DN thành lập mới. Gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng DN được tiếp nhận và chuyển tới cơ quan Nhà nước để xem xét, giải quyết. Trong đó, có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, đạt 77,4%. Việc triển khai Nghị quyết đã tạo được chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương; nhất là về lề lối, tác phong, thái độ phục vụ. Công tác phát triển, hỗ trợ DN được các địa phương quan tâm; công tác cải cách thủ tục hành chính của các tỉnh, thành đạt kết quả tốt...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như một số quy định còn chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực đất đai, xây dựng, tín dụng... chưa cải thiện nhiều, tiếp cận vốn ở DN còn hạn chế.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung đánh giá, thảo luận một số vấn đề đang nổi cộm, bức xúc trong hiện nay, như: Vấn đề phát triển DN tư nhân; các chi phí không chính thức; việc xây dựng bệnh viện tư nhân trong khuôn viên bệnh viện công; một số bất cập về việc thông tuyến trong Luật Bảo hiểm Y tế mới sửa đổi, bổ sung; giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận, thời điểm xác định giá đất và quyền sử dụng đất; việc hỗ trợ DN về vấn đề tỷ giá; DN trong nước cần được hỗ trợ để đầu tư công nghệ phát triển, nâng cao tính cạnh tranh; giảm thiểu các cuộc thanh, kiểm tra có nội dung chồng chéo đối với doanh nghiệp... Với tinh thần, quyết tâm hỗ trợ DN phát triển, đại diện các bộ, ngành, chức năng đã có những giải đáp kiến nghị, thắc mắc mà các DN nêu trên.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP là bước khởi đầu thuận lợi trong hỗ trợ, phát triển DN. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần có những hành động mạnh mẽ hơn để phá vỡ những “rào cản” bất lợi để DN phát triển.

Thủ tướng khẳng định, với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng; Chính phủ tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật. Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để giải quyết những vấn đề đó, Thủ tướng mong muốn cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các DN cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị, của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Từng công chức, từng viên chức trong bộ máy nhà nước phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nghiêm túc thực hiện, luôn sẵn sàng đồng hành bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc; bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của DN.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tại điểm cầu Thanh Hóa, ngay sau khi Hội nghị trực tuyến kết thúc, đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đại biểu đã cùng nhìn lại những việc đã làm được của tỉnh Thanh Hóa sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về công tác hỗ trợ DN. Đồng chí khẳng định, Thanh Hóa sẽ đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra và đồng hành cùng các DN trong quá trình sáng tạo và phát triển. Với mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá vào năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành các giải pháp hỗ trợ DN, tích cực thực hiện đối thoại với các DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu thành lập 3.000 DN trong năm 2017. Các DN nên chớp thời cơ, vận hội mà Chính phủ và tỉnh thực hiện để tiếp thu công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng bền vững.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH THANH HÓA

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995