Hội nghị trực tuyến về Công bố quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2050.

Đăng lúc: 15:19:23 05/11/2021 (GMT+7)

Chiều ngày 7/10/2021, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị trực tuyến về Công bố quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2050. Đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thanh Hóa, tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ có 5 nhóm cảng biển; trong đó, nhóm cảng biển số 1 gồm 5 cảng: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; Nhóm số 2 gồm 6 cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; nhóm cảng biển số 3 gồm 8 cảng: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; Nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An; Nhóm cảng biển số 5 gồm: 12 cảng biển gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.

1.jpg
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trung tâm.

Cảng biển Thanh Hóa được quy hoạch hướng đến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, trở thành cảng cửa ngõ khu vực Bắc Trung bộ, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí… Hệ thống cảng biển Thanh Hóa cũng được quy hoạch cụ thể gồm: Khu bến Nam Nghi Sơn là vùng đất và nước từ cầu đường bộ nối đảo Biện Sơn đến giáp tỉnh Nghệ An; Khu bến Bắc Nghi Sơn là khu vực phía Nam cửa Lạch Bạng đến cầu đường bộ nối đảo Biện Sơn. Hai bến này có thể đón tàu tải trọng 100.000 tấn và lớn hơn khi đủ điều kiện. Khu bến Đảo Hòn Mê được quy hoạch trên vùng nước đảo Mê với chức năng là bến nhập dầu thô, khu neo chuyển nhập hàng rời, hàng lỏng phục vụ lọc hóa dầu và các khu neo chuyển tải hàng hóa xuất nhập khẩu cho tàu tải trọng lớn đến 400.000 tấn. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có các bến cảng nhỏ hơn là Quảng Nham, Lạch Sung và các bến sông: Lệ Môn, Quảng Châu.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ các cơ chế, chính sách về lĩnh vực hàng hải nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển vận tải biển, dịch vụ hàng hải. Nghiên cứu, đề xuất các mô hình quản lý cảng biển phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư khai thác cảng biển, cụm cảng biển…

2.jpg
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực. Đẩy mạnh khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong công tác quản lý, khai thác hạ tầng cảng biển…

Đối với UBND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đồng chí đề nghị các địa phương cần tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông hàng hải theo quy định của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch. Rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, các dự án trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch đã được phê duyệt.

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Thanh Hóa

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995