Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4%.
Nếu tính cả 1.192 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2018 là 1.841 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 16.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay lên gần 81 nghìn doanh nghiệp.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2018 là 508 nghìn người, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, số lượng doanh nghiệp và số vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm liên tục tăng với tốc độ cao trong giai đoạn 2014-2018.
Đây là minh chứng cho thấy khuôn khổ pháp lý thông thoáng; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” đã tác động tích cực lên niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước.
[Tháng Năm: Doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về lượng và vốn]
Trong 6 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa, ôtô, xe máy có 21.822 doanh nghiệp, chiếm 33,8% tổng số doanh nghiệp thành lập; xây dựng có 8.714 doanh nghiệp, chiếm 13,5% tổng số doanh nghiệp thành lập; công nghiệp chế biến, chế tạo có 8.041 doanh nghiệp, chiếm 12,5% tổng số doanh nghiệp...
Cục Quản lý đăng lý kinh doanh cũng cho biết, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở các khu vực trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt, khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có mức tăng cao nhất; xét về số vốn đăng ký thành lập mới, cả nước có ba khu vực là Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng về số vốn.
Về số lượng lao động đăng ký giảm ở tất cả các vùng; trong đó trung du và miền núi phía Bắc có mức giảm mạnh nhất.
Nếu so sánh số lượng doanh nghiệp giữa các khu vực cho thấy, khu vực Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất là 27.279 doanh nghiệp, chiếm 42,3% tổng số doanh nghiệp thành lập của cả nước; tiếp đó là khu vực Đồng bằng sông Hồng có 19.181 doanh nghiệp, chiếm 29,7% tổng số doanh nghiệp thành lập của cả nước;... đây là 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước khi chiếm tới 72% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Về số vốn đăng ký, khu vực Đông Nam Bộ tiếp tục dẫn đầu trong cả nước với 292.533 tỷ đồng, chiếm 45,1% tổng số vốn đăng ký của cả nước; đứng thứ hai là khu vực Đồng bằng sông Hồng có 189.894 tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng số vốn đăng ký của cả nước; khu vực Tây Nguyên có tổng số vốn đăng ký ít nhất là 9.925 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,5% tổng số vốn đăng ký của cả nước.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2018 là 52.803 doanh nghiệp, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 17.984 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25% và 34.819 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 48%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2018 là 6.629 doanh nghiệp, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó 6.053 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,3% và tăng 20%.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cần điều hành chính sách tiền tệ, chú trọng cho vay những lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu…
Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng.