Nhận diện các loại "đinh" ẩn dưới "tấm thảm" môi trường kinh doanh

Đăng lúc: 08:25:23 06/06/2016 (GMT+7)

“Bây giờ đang có hiện tượng lưu manh hóa trong công chức nhà nước, một bộ phận không nhỏ công chức hễ ngồi vào vị trí có chức có quyền là nghĩ đến vơ vét chứ không nghĩ được gì tốt nhất cho dân”.

 Đó là phát biểu của TS. Lê Hồng Sơn, Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư Pháp) tại Hội thảo “Chính sách Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa – Tầm nhìn và Hành động” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức sáng 03/06/2016 tại Hà Nội.

TS. Lê Hồng Sơn nói: “Mỗi khi nhà tôi có việc gì cần đến cơ quan công quyền là vợ tôi không cho tôi đi vì tôi thường cãi lý với họ nên hỏng việc. Ấy vậy mà mấy đứa em tôi rất khôn, chúng nó không đến thẳng nơi cần đến mà ra ngồi quán nước gặp “cò” là việc gì cũng xong”.

Thực trạng trên đang là vấn đề nhức nhối trong người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như một Đại biểu Quốc hội từng nói về môi trường kinh doanh của Việt Nam là “trên trải thảm, dưới rải đinh”.

Nhan dien cac loai "dinh" an duoi "tam tham" moi truong kinh doanh - Anh 1

TS. Lê Hồng Sơn. (Ảnh: RED Communication)

Theo TS. Lê Hồng Sơn, quyền kinh doanh của doanh nghiệp đã được quy định đầy đủ trong Hiến pháp và các luật. Tuy nhiên các văn bản dưới luật như Nghị định và Thông tư lại là những "chùm khế ngọt và siêu ngọt", chúng được ví như những cái “đinh” được lót dưới “thảm”. TS. Lê Hồng Sơn đã chỉ ra một số ví dụ về “đinh” tạo sự bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp:

1. Dấu hiệu lợi ích nhóm

Cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành 02 Quyết định (4088/2015/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND) đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long: Rút ngắn thời hạn (niên hạn) sử dụng các phương tiện thủy 05 năm - 10 năm. Quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với tàu lưu trú (hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước cho các phòng ngủ của tàu); phải có thiệt bị tự động báo cháy ở tất cả các buồng của tàu. Như vậy, phải có thêm bể chứa nước trên tàu, hệ thống dẫn nước và điều này không thể thực hiện được với các tàu đang hoạt động; Không cho phép đóng nước để thay thế tàu cũ. Bức tử các doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đe dọa hơn 1000 lao động sẽ mất việc làm, vi phạm 1 loạt các Luật: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật phòng cháy chữa cháy, Luật Du lịch, Luật giao thông đường thủy nội địa, Bộ Luật Dân sự về thẩm quyền điều kiện kinh doanh, phòng cháy, chữa cháy, niên hạn sử dụng phương tiện thủy. Cũng có thể nói, vi phạm Điều 14, Điều 33 Hiến pháp 2013. Bức tử các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ ở Hạ Long – Bái Tử Long, tạo điều kiện, sân chơi cho các đại gia.

2. Câu chuyện Bia tỉnh ta – Xi măng tỉnh ta

Công văn số 5290/UBND-CNTM ngày 28/07/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chung tay góp sức tiêu thụ bia sản xuất trên địa bàn tỉnh, ưu tiên dùng, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đại lý, nhà hàng sử dụng bia của nơi khác đưa về tỉnh tiêu thụ, hỗ trợ thị trường, địa điểm kinh doanh…

Còn tại Công văn số 1747 ngày 14/5/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu hỗ trợ tiêu thụ xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Các công văn này vi phạm Luật cạnh tranh.

3. Không cho điều chính mức lương tối thiểu vùng trong dự toán công trình

Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định không được truy thu; Buộc doanh nghiệp vào 1 trong 2 khả năng: trả lương thấp cho người lao động hoặc buộc phải co kéo kinh phí từ các hạng mục khác cho việc trả lương. Cả hai khả năng đều chứa đựng hậu quả xấu, vi phạm nguyên tắc pháp chế.

4. Quyết định 1328/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đính chính Thông tư 157/2011 về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Mô tả hàng hóa “Bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của xe ô tô” nhằm tăng thuế của các loại xe này từ 5% lên 7% và yêu cầu truy thu thuế của doanh nghiệp.

Công văn 17060/BTC của Bộ Tài chính thay thế cơ chế đăng ký tờ khai hải quan mới của hàng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết, chuyển tiêu thụ nội địa đã dược Thông tư số 194/TT-BTC ngày 06/12/2010 quy định. Doanh nghiệp từ chỗ không phải đăng ký tờ khai nội dung mới, chỉ khai nộp thuế nhập khải, tiêu thụ đặc biệt thì lại phải thay tờ khai nội dung mới. Đồng thời xác định thời điểm tính thuế dẫn đến việc buộc doanh nghiệp phải nộp thuế truy thu (Kiểu áp dụng hồi tố).

5. Thông tư 05/2013/TT-BCT ngày 18/02/2013 của Bộ Công Thương và Thông tư số 59/2013/TT-BCT ngày 08/05/2013 xác định thời hạn lưu giữ của hàng tạm nhập tái xuất không quá 15 ngày, gia hạn 25 ngày, trái Luật Hải quan (thời hạn là 12 tháng, gia hạn 6 tháng) và quy định “tạm dừng, thu hồi mã số tạm nhập, tái xuất hàng”. Về bản chất là xử phạt, đình chỉ hoạt động của Doanh nghiệp.

6. Thông tư số 13/2011/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải “sản xuất tại quốc gia đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm” trong Luật An toàn thực phẩm không có quy định điều kiện này.

7. Thông tư số 19/2014/TT-BYT quy định quản lý thuốc phải có chấp thuận, cho phép của cơ quan quản lý nhà nước cấp Cục thuộc Bộ có quyền cho phép 1 doanh nghiệp được hay không sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc. Trong khi Chính phủ, Quốc hội không có quy định này.

8. Thông tư số 09/2014/TT-BNV ngày 01/10/2014 đưa ra quy định về việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ trong khi Luật Lưu trữ chỉ quy định điều kiện có đăng ký dịch vụ lưu trữ, có cơ sở vật chất nhân lực phù hợp, có chứng chỉ hành nghề mà không quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ.

9. Thông tư 55/TT-NN&PTNT ngày 03/08/2011 về kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu (đã được thay thế bằng thông tư số 48/2013) đưa ra quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng không phù hợp, gây lãng phí, tổn kém của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản buộc phải hủy bỏ, thay thế bằng thông tư 48/2013.

10. Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ: Doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chỉ được sử dụng cho chính dự án đã được đăng ký, không được chuyển nhượng cho dự án hoặc doanh nghiệp khác, trừ trường hợp phá sản, giải thế hoặc chấm dứt hoạt động. Vi phạm quyền sở hữu quyền tự do kinh doanh tạo ra lãnh phí, bất bình đẳng.

11. Thông tư số 56/2014/TT-BTC đưa ra thủ tục buộc phải kê khai giá không phù hợp với Luật giá và kê khai giá chỉ mang tính chất thông báo. Là quy định xin cho, ảnh hưởng quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng cơ hội kinh doanh, giảm cơ hội cạnh tranh giá của doanh nghiệp.

12. Thông tư 63/2014/TT-BGTNT quy định về tổ chức quản lý họt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, quy định đơn vị vận tải hàng hóa không thu tiền phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Trái Luật Doanh nghiệp khi đưa loại hình kinh doanh không thu tiền trực tiếp để chỉ hoạt động vận tải nội bộ, làm giảm tính cạnh tranh.

13. Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/4/2014 về nuôi chế biến và xuất khẩu cá tra, quy định tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ mạ băng trên trọng lượng tổng) trông sản phẩm cá tra xuất khẩu không được vượt quá 10%. Hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%/ khối lượng tịnh (cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng).

Vấn đề này do thỏa thuận chứ không phải tiêu chuẩn bắt buộc của nước nhập khẩu. Can thiệp quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy giá thành của sản phẩm xuất khẩu lên cao.

14. Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý thuốc bảo vệ thực vật đưa ra quy định chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phầm của thuốc không phù hợp với Luật kiểm định và bảo vệ thực vật (Không giới hạn điều kiện này).

Không phù hợp với thực tế thuốc bảo vệ thực vật cho các giai đoạn sinh trưởng, các loại cây gây khó khăn cho doanh nghiệp.

15. Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định quy chuẩn Mỹ thuật quốc gia về môi trường, yêu cầu chất lượng nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A, tương đương nước mà người có thể uống được, gây tốn kém, bất khả thi trên thực tế. Có thể dẫn đến tiêu cực trong kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp.

16. Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm định thực vật có quy định da thành phẩm thuộc diện phải kiểm định thực vật. Không hợp lý, tạo gánh nặng thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp.

17. Nghị định số 73.2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định hạn chế tỷ lệ học sinh của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

18. Nghị định của Chính phủ về quy định của địa phương về điều kiện số lượng xe tối thiểu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách quy định thuộc thuộc hình thức kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện về số lượng xe tối thiểu (20 xe – 10 xe). Điều kiện kinh doanh taxi ở Hà Nội phải có trên 50 xe và phải xin logo “Taxi Hà Nội”.

Không phù hợp với điều kiện Việt Nam, gây sức ép về kinh phí cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh, buộc các doanh nghiệp đang hoạt động phải đáp ứng, biểu hiên độc quyền, lợi ích cục bộ.

19. Thông tư 19/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định diện tích tối thiểu nhà xưởng là 300 m 2 là trái thẩm quyền, không hợp lý.

20. Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng 5000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay xát gạo có công suất 10 tấn/ giờ. Không hợp lý, hạn chế quyền kinh danh, tạo tiêu cực (mượn giấy phép) tăng chi phí của doanh nghiệp.

21. Luật Công đoàn 2012 buộc doanh nghiệp phải đóng tài chính cho công đoàn bằng 20% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Làm sao để “nhổ” các loại “đinh”?

Theo TS. Lê Hồng Sơn, để “nhổ” được các loại “đinh” cũng như ngăn chặn việc “rải” thêm đinh, trong quá trình soạn thảo, xây dựng các dự thảo cần nghiên cứu khảo sát cần lấy ý kiến doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo. Cần có cơ chế đa ngành, chống lợi ích nhóm, lợi ích ngành. Cần xác định trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản.

Bà Quách Thị Tri, Chủ sở hữu Công ty TNHH Mường Thanh, công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản thuộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi khổ vô cùng, các nhà làm luật không hiểu được đâu. Muốn có được chính sách tốt, những người làm chính sách cần phải gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp, nếu làm chính sách mà cứ ngồi trong phòng lạnh thì sẽ không có được chính sách tốt”.

Nguyễn Tuân- Infonet


0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995