Nhập siêu từ ASEAN: Nỗi lo mới!

Đăng lúc: 11:27:05 19/10/2016 (GMT+7)

Mức nhập siêu từ ASEAN vào Việt Nam ngày càng tăng, khi trong 9 tháng đầu 2016 đã đạt tới 4,5 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với mức nhập siêu 9 tháng cùng kỳ năm ngoái (4,1 tỷ USD). Nỗi lo trở thành “vùng trũng” tiêu thụ hàng hoá trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dường như khó tránh khỏi khi đối mặt sức ép cạnh tranh từ hàng hoá nhập khẩu trong khu vực.

 Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN trong 9 tháng qua đã đạt tới 16,7 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt hơn 12,2 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất đến từ Thái Lan với hơn 6 tỷ USD, tiếp đến là Malaysia với 3,7 tỷ USD, Singapore 3,5 tỷ USD và Indonesia 1,96 tỷ USD.

Rủi ro “vùng trũng”

Trong báo cáo hồi nửa đầu năm nay của Tổng cục Hải quan về cán cân thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và ASEAN cũng đưa ra nhận định mức thâm hụt tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với mức 3,3 tỷ USD, bằng 45,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Hàng hoá Việt Nam nhập khẩu từ ASEAN chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: xăng dầu các loại; gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm khác từ dầu mỏ; hóa chất… Trị giá 5 nhóm hàng này chiếm hơn 35% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN.

Những số liệu này gần như “trùng khớp” với những lo lắng của giới chuyên gia trước đây khi cho rằng Việt Nam có rủi ro sẽ trở thành trung tâm tiêu thụ hàng hoá của khu vực ASEAN khi AEC có hiệu lực từ đầu năm 2016 với việc loại bỏ dần hàng rào thuế quan.

Trong những mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN, nhiều nhất phải kể đến ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô

Những dự báo từ trước đây về vấn đề mức thuế giảm sâu thì hàng hoá của các nước ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam, dẫn đến việc cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam với các nước ASEAN trở nên khó khăn hơn.

Còn nhớ, hồi gần cuối tháng 8/2016, chính Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã bày tỏ sự quan ngại về việc Việt Nam đang trở thành “vùng trũng” tiêu thụ hàng hoá của khu vực. Thái Lan đã kịp soán ngôi Trung Quốc, Hàn Quốc, hai nước xuất khẩu ôtô nhiều nhất vào Việt Nam dù trong lĩnh vực ôtô, thuế chưa giảm về 0% theo cam kết gia nhập AEC.

Trong khi đó, như nhận định của Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu sang Singapore, Philippines, song không nhiều (chủ yếu là gạo, nông sản, dệt may, bánh kẹo…).

Thua ngay trên “sân nhà”

Khi xuất khẩu sang Thái Lan thì lại vấp phải cạnh tranh gay gắt. Còn để xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Indonesia thì phải theo luật Halal của đạo Hồi (thay đổi bao bì, đóng gói, in bằng tiếng địa phương) nên gặp không ít thách thức.

Cũng theo Ts Lê Đăng Doanh, trong khi Việt Nam chưa tăng được xuất khẩu vào nội khối ASEAN thì đã mất thị phần trong nước. Khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn loay hoay đưa hàng tiêu thụ tại thị trường các nước trong khu vực thì hàng hóa của các nước trong khu vực ASEAN đã ngày càng tiếp cận sâu vào thị trường Việt Nam. Điển hình là hàng Thái đang tràn vào hệ thống siêu thị BigC, còn hàng Việt thì có nguy cơ bị mất thị trường trong nước.

Vấn đề dễ dàng được minh chứng khi trong cơ cấu nhập khẩu từ các thị trường ASEAN, nhập khẩu rau củ quả và hàng tiêu dùng từ Thái Lan tăng khá mạnh. Riêng tháng 9/2016, người Việt Nam chi hơn 71 triệu USD nhập rau củ quả của Thái Lan, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực ra, không khó để lý giải việc đến nay Việt Nam đã mất quá nửa thị phần bán lẻ hiện đại. Trong tổng số khoảng 100 siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, Thái Lan đã chiếm một nửa. Các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trong ngành bán lẻ hiện đại tại Việt Nam mà phần thắng thuộc các tập đoàn lớn của Thái Lan cũng góp sức cho chuyện này.

Ngay cả cạnh tranh về ô tô, cơ khí, nhựa, giấy…cũng đang tăng lên. Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng qua, trong số các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN, nhiều nhất phải kể đến xăng dầu, ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô.

Việt Nam đã chi 1,2 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu từ Singapore, hơn 890 triệu USD từ Malaysia. Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng với 23.900 xe, trị giá 440 triệu USD từ Thái Lan, và 2.800 xe, trị giá hơn 140 triệu USD từ Indonesia.

Một vấn đề đáng lo ngại, theo Ts. Lê Đăng Doanh, chính là tình trạng biến động về lao động khi Việt Nam đón nhận lao động có trình độ cao hơn từ các nước ASEAN – 6 và có thể mất lao động giỏi.

Ước tính, lực lượng lao động trong ASEAN chiếm gần 50%, khoảng 300 triệu người. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng cao nhất là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%).

Thế nhưng, như phân tích của nhóm chuyên gia trường Đại học Văn Hiến, các lợi ích về kinh tế và việc làm từ AEC sẽ không được phân chia đồng đều. Nếu quản lý không tốt, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội mà AEC sẽ tạo ra. Sau khi chính thức thành lập, AEC thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề.

Các đánh giá của chuyên gia trường đại học này cho thấy, sự “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt với lao động trong nước.

Nếu người lao động Việt Nam không ý thức được điều này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC.

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995