Thời khắc chuyển giao sang năm 2016 cũng là thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với dân số hơn 600 triệu người và quy mô kinh tế khoảng 2.600 tỷ USD.
Ngày 22/11/2015, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN họp tại Thủ đô của Malaysia đã ra Tuyên bố Kuala Lumpur 2015, chính thức thành lập AEC. Sự ra đời của AEC được coi là một bước ngoặt, đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á.
AEC là thị trường có dân số 650 triệu người, với tổng sản lượng hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Nhưng, Cộng đồng này không quá chú trọng yếu tố thị trường chung, mà chú ý đến việc hỗ trợ nhau để trở thành khu vực phát triển đồng đều. Các nền kinh tế trong ASEAN cũng tương đối giống nhau về sản phẩm và dịch vụ, nên khả năng bổ trợ cho nhau thấp.
Để hiểu sâu hơn về những tác động của AEC, cần nhìn vào thực chất của tổ chức này. AEC không chỉ đơn giản thực hiện tự do hóa thương mại, dịch vụ và đầu tư như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện nay, mà hình thành AEC là nhằm biến khu vực Đông Nam Á trở thành mắt xích tự do hóa quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện liên kết, kết nối giữa các quốc gia để đưa khu vực phát triển đồng đều hơn. AEC không có xu hướng khép kín các hoạt động trong nội bộ khu vực, mà thực hiện cơ chế kinh tế mở. Tham gia AEC, nếu chỉ nghĩ đến các quốc gia thành viên là không đúng, mà phải nghĩ đến các đối tác EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Cách chơi của ASEAN là liên kết giữa các quốc gia, dựa trên nguyên tắc tham vấn và đồng thuận. Ban Thư ký ASEAN giữ vai trò điều phối hoạt động, rõ hơn là đại diện phát ngôn cho khu vực này.
Nói cách khác, AEC là mô hình liên kết kinh tế khu vực dựa trên nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN, có bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và vốn.
Thành tựu đáng kể nhất trong xây dựng AEC tới nay là ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về 0%-5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu và vào năm 2015 với 4 nước thành viên mới, hình thành nên một thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa.
Tác động của AEC đến Việt Nam
AEC bao gồm 4 mục tiêu và cũng là 4 yếu tố cấu thành:
(i) Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hóa; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn; Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.
(ii) Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở vật chất hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.
(iii) Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
(iv) Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu.
Nhìn vào các yếu tố trên có thể thấy, chỉ có mục tiêu đầu tiên là rõ ràng và mang tính hành động, thực tế. Còn các mục tiêu khác chỉ mang tính định hướng. Vì thế, AEC sẽ tác động chủ yếu trên ba lĩnh vực cơ bản được nêu ra trong mục tiêu đầu tiên, đó là: thương mại, đầu tư và di chuyển lao động nội khối.
Đối với thương mại
Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, hiện thương mại nội khối AEC chỉ chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch của khối nói chung, kém xa mức 60% của Liên minh châu Âu (EU) và 40% của Cộng đồng Kinh tế Bắc Mỹ. Đối với Việt Nam, xuất - nhập khẩu với ASEAN chỉ chiếm 10% đối với tổng kim ngạch xuất khẩu và 20% nhập khẩu. Thêm vào đó, nhiều nước trong khối cũng là thành viên của WTO, nên việc mở rộng thương mại nhờ AEC cũng không tạo ra nhiều khác biệt, hay đột phá lớn trong việc khuyến khích thương mại nội khối so với bối cảnh có WTO. Vì thế, trong ngắn hạn, tác động từ AEC đối với thương mại của Việt Nam là không đáng kể.
Đối với đầu tư
Lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cho thấy, đầu tư nội khối chiếm tỷ trọng rất thấp trong dòng đầu tư vốn FDI có nguồn gốc từ ASEAN. Tính đến hết năm 2014, dòng FDI từ ASEAN vào Việt Nam chiếm 21,4% tổng FDI vào Việt Nam với mức tổng lên tới 52,34 tỷ USD. Đầu tư của Singapore chủ yếu là vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, khu vui chơi sinh thái, Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore, trong khi FDI từ Malaysia thì chủ yếu tập trung các liên doanh với các công ty sở hữu nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản, giáo dục và dầu khí. Thái Lan thì lại chú trọng lĩnh vực bán lẻ và một phần đi vào sản xuất đồ nhựa.
Như vậy, dòng vốn đầu tư FDI từ ASEAN vào Việt Nam không nhằm vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, mà chủ yếu là lĩnh vực bất động sản, dịch vụ.
Ngược lại, dòng vốn FDI của Việt Nam năm 2014 vào khối chỉ ở mức 1,5 tỷ USD so với mức hơn 7,6 tỷ USD ra ngoài khối. Nói cách khác, sự đột phá tạo ra sự mở rộng dòng vốn FDI trong nội bộ ASEAN nhờ thành lập AEC sẽ là không lớn. Đối với Việt Nam nói riêng, việc hưởng lợi từ đầu tư FDI vào khối là không đáng kể, trong khi dòng FDI từ trong nội khối vào Việt Nam có thể tăng lên đáng kể.
Đối với di chuyển lao động
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều lao động sang các nước ASEAN, đặc biệt là Malaysia với hàng nghìn chỉ tiêu mỗi năm, làm nhiều loại ngành nghề khác nhau. Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam đã mở chi nhánh, hoạt động khá hiệu quả tại Lào, Campuchia cũng cho thấy khả năng hội nhập nhanh chóng của lao động Việt Nam trong ASEAN gắn với dòng di chuyển thương mại, vốn đầu tư, dịch vụ.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, nên tỷ lệ lao động Việt Nam tham gia thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%; trong khi có tới 47% lực lượng lao động vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất, thu nhập thấp. Khoảng 3/5 số lao động Việt Nam đang làm các công việc dễ bị tổn thương. Nhìn chung, năng suất và mức tiền lương của Việt Nam khá thấp so với các nền kinh tế trong ASEAN, như: Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Làm gì để tận dụng những cơ hội từ AEC?
Các lợi thế so sánh của Việt Nam cũng tương đồng với lợi thế so sánh của những quốc gia khác trong khu vực, nên không dễ khai thác ưu đãi dành cho thành viên AEC. Vì thế, để thu được lợi ích từ AEC, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:
- Cần có sách lược phát triển, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và phòng chống rủi ro về tài chính (nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong việc phát triển thị trường nội địa và khu vực ASEAN.
- Tăng cường phổ biến thông tin cho doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là những thông tin về quy tắc nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hoá... Các đại diện thương mại, kinh tế, đầu tư của Việt Nam tại các nước ASEAN cần đẩy mạnh hoạt động, tăng cường cung cấp thông tin về thị hiếu thị trường, mạng lưới sản xuất, các cơ hội đẩy mạnh đầu tư, trao đổi thương mại với các nước.
- Nâng cao hiểu biết về AEC, nghiên cứu cơ sở pháp lý và cơ chế giải quyết tranh chấp, thực thi nhằm đảm bảo hợp đồng kinh doanh và quyền lợi của doanh nghiệp.
- Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, uy tín thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá mẫu mã và đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng với chi phí thấp, kịp thời, tin cậy.
- Cải thiện và phát huy giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh. Tạo sự khác biệt về giá trị cốt lõi sẽ bảo đảm cho doanh nghiệp có lợi thế so sánh với các đối thủ cạnh tranh, mang lại lợi nhuận cho mình. Muốn nhận biết được sự khác biệt đó, doanh nghiệp phải xây dựng cho mình các công cụ phân tích cạnh tranh như SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức), đối thủ và thị trường./.
Theo kinhtevadubao.vn