Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng cổ Đông Sơn vẫn giữ nguyên nét cổ kính và đặc sắc về văn hóa, lịch sử truyền thống. Để quảng bá rộng rãi nét độc đáo trong những lớp lang văn hóa của làng cổ đến du khách, TP Thanh Hóa đã và đang tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Qua đó, từng bước đưa làng cổ Đông Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, trọng điểm trên bản đồ du lịch của TP Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Làng Đông Sơn xưa thuộc xã Đông Giang, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa. Ngôi làng nằm nép mình bên bờ Nam sông Mã thơ mộng và được bao quanh bởi hệ thống núi đá vôi với nhiều hang động kỳ thú. Vào năm 1924, một người nông dân ở xóm Nghĩa trong làng có tên là ông Nguyễn Văn Lắm, đi câu dọc bờ sông Mã đã phát hiện và thu được các hiện vật bằng đồng bao gồm: bộ ấm chén pha trà, trống đồng. Sau phát hiện của ông Lắm, một người Pháp có tên là L.Paijot đã được ủy nhiệm tiến hành khảo cổ học di tích Đông Sơn. Những cổ vật tìm thấy được tại Đông Sơn đã gây tiếng vang lớn. Năm 1933, học giả người Áo là R.Heine – Geldern đề nghị đặt tên nền văn hóa này là Văn hóa Đông Sơn. Từ đầu thế kỷ XX, tên của ngôi làng Đông Sơn đã trở thành tên của một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây từ 2.000 đến gần 3.000 năm. Các tầng văn hóa khai quật được đã thể hiện rõ ngôi làng có lịch sử định cư liên tục của con người từ thời cổ cho đến nay. Làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 loại di tích về khảo cổ, danh thắng, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.
Nhằm khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của làng cổ Đông Sơn, đầu tháng 3-2019, UBND TP Thanh Hóa công bố tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn. Theo đó, có 14 tour du lịch khởi hành từ làng cổ Đông Sơn liên kết với các tuyến, điểm du lịch của thành phố và vùng phụ cận. Kể từ khi công bố tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn đến nay, ước tính đã đón khoảng 3.000 lượt khách đến nơi đây. Tuy nhiên, thực tế lượng khách đến tham quan làng cổ Đông Sơn không đều. Có nhiều thời điểm làng cổ vắng bóng khách tham quan. Được biết, khi đóng góp ý kiến vào đề tài nghiên cứu “Bảo tồn hồi sinh di sản mô hình công viên khảo cổ, ý tưởng quy hoạch phân khu Hàm Rồng - núi Đọ”, GS.TS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã có đánh giá: “... Làng cổ Đông Sơn không còn sự hấp dẫn, bởi vậy chúng ta phải tìm ra cách hồi sinh như thế nào cho có văn hóa, có khoa học để hấp dẫn du khách”. Còn PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhận xét: “... Địa danh làng cổ Đông Sơn tiêu biểu cho văn minh Đông Sơn, hiện nay còn nhiều dấu vết nguyên trạng thể hiện tính toàn vẹn đang hiện hữu dưới lòng đất của Nhà máy Phân lân Hàm Rồng. Phải làm bật lên được các giá trị thiên nhiên, văn hóa, con người để tìm ra các điểm nổi trội, từ đó mới bảo tồn giá trị di sản và khai thác phát triển kinh tế du lịch tại đó”.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và với mục tiêu nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch về làng cổ Đông Sơn, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung cải tạo cảnh quan, môi trường và trong các hộ gia đình tại làng Đông Sơn. Đồng thời, hướng dẫn, sắp xếp, bố trí các vật dụng khoa học, hợp lý, có hướng dẫn viên phục vụ khách tham quan tại nhà cổ và tạo sự kết nối thành chuỗi giữa các điểm tham quan, trải nghiệm trong làng cổ. Trước mắt thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại nhà ông Lương Trọng Duệ. Sau khi đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm, thành phố sẽ nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng tại làng cổ Đông Sơn đối với các nhà cổ còn lại; phấn đấu đến năm 2025 có 50% số nhà cổ tham gia làm mô hình du lịch homestay. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân ở làng cổ Đông Sơn về công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như đào tạo kỹ năng làm dịch vụ du lịch, cho các hộ có nhà cổ. Song song với đó, TP Thanh Hóa cũng sẽ lựa chọn một số hộ gia đình có diện tích trồng rau tại khu vực đồng bãi để xây dựng mô hình rau sạch, mô hình trải nghiệm thực tế làm vườn; hướng dẫn sản xuất một số sản phẩm, món ăn, quà lưu niệm mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương, nhằm phục vụ nhu cầu của du khách khi về tham quan làng cổ.Nguồn: Baothanhhoa.vn