Thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hoá. Với dân số trên 450.000 người, có 34 đơn vị hành chính trực thuộc, thành phố Thanh Hóa là một trong những đô thị trực thuộc tỉnh có quy mô dân số, diện tích và có số đơn vị hành chính lớn nhất trong các đô thị trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Nằm trên trục giao thông Bắc-Nam, tọa lạc trên vùng đất cổ của hai nền văn hoá Núi Đọ và Đông Sơn, trải dọc hai bên bờ sông Mã, cách Thủ đô Hà Nội 155km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.560km về phía Nam, cách biên giới Việt Lào 135km về phía Tây, cách sân bay Thọ Xuân 36 km về phía Tây, cách bãi biển Sầm Sơn 11km về phía Đông. Đây là điểm giao thoa có ảnh hưởng và đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội tới vùng Bắc Trung bộ, Nam Bắc bộ, hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cầu Hàm Rồng
Năm 1904, cầu Hàm Rồng được các kiến trúc sư người Pháp xây dựng với thiết kế vòm thép không có trụ giữa. Cấu trúc ban đầu tương tự như cầu Long Biên (Hà Nội), ở giữa có đường ray xe lửa, 2 bên là đường dành cho ô tô và xe thô sơ đi lại. Vào lúc bấy giờ, đây là cây cầu hiện đại nhất Đông Dương. Vào năm 1946, nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược, cầu Hàm Rồng cũ đã bị phá hủy theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Đến năm 1962, cây cầu này được khởi công xây dựng dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Ngày 19/5/1964, cầu Hàm Rồng mới chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, trở thành cầu có trụ như hiện nay.
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 3km, cầu Hàm Rồng là địa điểm tham quan nổi tiếng, thu hút nhiều du khách ghé thăm khi du lịch Thanh Hóa. Cầu Hàm Rồng là cây cầu huyết mạch của đất nước những năm chiến tranh ác liệt nhất đã đi vào lịch sử như những trang vàng chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, là hình ảnh biểu trưng cho ý chí kiên cường của con người xứ Thanh.
Làng cổ Đông Sơn
Nằm nép mình bên bờ Nam sông Mã thơ mộng, làng cổ Đông Sơn hiện lên như một bức tranh thu nhỏ của một làng quê Việt Nam truyền thống, mang đậm nét văn hóa lâu đời. Làng cổ Đông Sơn hiện còn hơn chục ngôi nhà cổ, trong đó, có những ngôi nhà gỗ khoảng hơn 200 năm tuổi có kiến trúc điển hình ở thế kỷ XIX còn tương đối nguyên vẹn, có giá trị về mọi phương diện, được gìn giữ qua nhiều thế hệ và đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Động Long Quang
Động Long Quang (còn gọi là hang Mắt Rồng) nằm ngay trên núi Rồng, sát bờ Bắc sông Mã. Động Long Quang nằm ở lưng chừng núi, cách Quốc lộ 1A (cũ) khoảng 100m, đi qua 23 bậc đá sẽ tới cửa động. Theo truyền thuyết, cả dãy núi Hàm Rồng là hiện thân của một con rồng chín khúc nhấp nhô trên dòng sông Mã. Đầu rồng chính là động Long Quang, lưng Rồng là các dãy núi liên tiếp (đồi C4, đồi Rada, khu Văn Chỉ, đồi Con Công) và đuôi rồng nằm ở cuối làng Đông Sơn. Bên trong động có chiều rộng khoảng 5m, chiều cao hơn 10m, chiều dài khoảng 30m, có sức chứa cả trăm người. Từ xa xưa, động Long Quang đã là nơi du ngoạn, thưởng lãm của các bậc tao nhân, mặc khách. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Hang Mắt Rồng gắn liền với những chiến thắng lừng lẫy và sự hy sinh anh dũng của quân, dân ta trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng lịch sử.
Động Tiên Sơn
Động Tiên Sơn nằm ở lưng chừng núi Mướn thuộc làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa. Hang động này được xem là mái nhà chung của cộng đồng người Việt cổ, bởi người ta tìm thấy trong đó có di cốt và những di vật chứng minh cho cuộc sống cách đây chừng hàng nghìn năm.
Đặt chân vào cửa động, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp huyền bí của những phiến đá, tượng Phật, biểu tượng linh thiêng của văn hóa Á Đông. Đến với động Tiên Sơn như đưa ta về với cội nguồn, lạc vào một thế giới thần tiên đầy ắp cả kho huyền thoại kỳ thú, in dấu trên từng phiến đá, nhũ đá lấp lánh hoa cương. Tại đây quý khách sẽ được tận mắt chứng kiến những hình ảnh tuyệt đẹp mà trời đất và thiên nhiên tạo hóa ban tặng cho con người xứ Thanh.
Thái miếu Nhà Hậu Lê
Đi vào cửa ngõ phía Nam của thành phố Thanh Hóa theo quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố 2km, du khách có thể đến thăm Thái miếu Nhà Hậu Lê (hay còn gọi là Đền Nhà Lê) ở làng Bố Vệ (Nay là thôn Kiều Đại) thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Đền Nhà Lê được dựng năm Gia Long thứ 4 (1805), là nơi thờ cúng 27 vị Hoàng đế thời Lê, Hoàng Thái Hậu cùng các Vương công nhà Hậu Lê. Dưới thời phong kiến, tôn miếu gắn chặt với xã tắc là hai hình ảnh cao cả nhất. Những việc trọng đại của quốc gia thường được cáo ở Thái Miếu. Đất Bố Vệ là nơi phát tích các đời vua Lê Trung Hưng với Thái Miếu từ Thăng Long chuyển về khác hẳn với các đền Lê bình thường khác. Từ đó, trở thành trung tâm tôn thờ của nhà Lê từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng cùng với các lăng mộ ở Lam Kinh thuộc xã Xuân Lâm, nơi phát tích của các vua thời Lê Sơ.
Đền Nhà Lê được dựng theo phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn bao gồm Tiền điện và Hậu điện được nối bằng một sân điện chạy suốt. Tại đền hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc rất có giá trị về nhiều phương diện. Nơi đây còn thờ hai bậc công thần khai quốc là Nguyễn Trãi và Lê Lai. Đặc biệt, còn có 6 bức tượng của Thần Tông Hoàng đế cùng năm bà phi quốc tịch khác nhau: Hà Lan, Mường, hai người vợ Chăm và một bà quê Kinh Bắc.
Đền Nhà Lê được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp bằng “Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia”. Đến với Đền Nhà Lê, ngoài thăm quan, tìm hiểu về lịch sử thời Lê, du khách còn có cơ hội khám phá nghệ thuật kiến trúc cổ, điêu khắc điển hình của thời Hậu Lê.
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng
Tọa lạc trên cao điểm 74 của dãy núi Hàm Rồng với tổng diện tích 40.000 m2 , gồm 12 hạng mục công trình: tam quan (hai lớp trong và ngoài), tam bảo, nhà thờ tổ, lầu chuông, trống, nhà tăng, trai đường, nhà giảng kinh, thiền đường, bến thuyền, và các công trình phụ khác nằm yên ắng, thanh tịnh trên ngọn đồi cao, bên bờ sông Mã, bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên sườn đồi thoai thoải. Đường lên thiền viện uốn lượn quanh co, càng lên cao, con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục… Thiền viện Trúc Lâm không chỉ là nơi quy tụ phật tử thập phương, đào tạo tín đồ Phật giáo mà còn là nơi sinh hoạt ngoại khóa của đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên, doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, là điểm tham quan văn hóa tâm linh của du khách gần xa.
Bên cạnh việc phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh, làng nghề tiêu biểu, hiện Thành phố Thanh Hóa đang định hướng xây dựng Ẩm thực đường phố trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như chả tôm, bánh cuốn, nem chua được du khách trong và ngoài nước ưa thích. Từ ẩm thực đường phố đến các nhà hàng sang trọng, nhữngmón ăn đặc sản của địa phương làcơ hội cho khách du lịch được trải nghiệm những khía cạnh văn hóa truyền thống đa sắc màu của địa phương.
Nhằm phục vụ phát triển du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Thanh Hóa tương đối phong phú, đa dạng, bảo đảm tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu của các phân khúc khách du lịch. Việc nâng cao số lượng, chất lượng các cơ sở lưu trú không chỉ tăng cường năng lực đón tiếp, phục vụ du khách của du lịch thành phố Thanh Hóa mà còn góp phần đổi mới hình ảnh du lịch theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Để định hướng rõ bước đi cụ thể cho tương lai du lịch thành phố Thanh Hóa, trong đề án “Phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa đến năm 2030”, theo quy hoạch, du lịch thành phố sẽ phát triển theo hướng du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, du lịch giáo dục, vui chơi giải trí cuối tuần... gắn với bảo tồn các giá trị thiên nhiên và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững trên mọi phương diện; tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, mang thương hiệu du lịch thành phố Thanh Hóa.
BBT Tổng hợp