Du lịch Thường Xuân: Điểm đến giàu tiềm năng

Đăng lúc: 08:27:51 10/11/2020 (GMT+7)

Huyện Thường Xuân có hệ sinh thái, cảnh quan hết sức đa dạng. Trong đó phải kể đến là thắng cảnh Cửa Đặt đầy sắc màu huyền thoại; là Khu di tích Hội thề Lũng Nhai gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gian khổ mà hào hùng; là lòng hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt như “mặt gương khổng lồ” phản chiếu nền trời; là Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên ví như “lá phổi xanh” giúp điều hòa khí hậu và là “mái nhà của nhiều loài động, thực vật quý được ghi trong sách đỏ thế giới và Việt Nam...

Du lịch Thường Xuân: Điểm đến giàu tiềm năngTrang trại hoa Golder Cow (xã Xuân Cẩm).
Chưa hết, mảnh đất quế ngọc châu Thường này còn gìn giữ được nhiều bản làng tương đối nguyên sơ, với các nếp nhà sàn truyền thống người Thái và nét văn hóa đậm đà bản sắc tộc người... Nguồn tài nguyên đa dạng và giàu có này là điều kiện “cần” cho khai thác và phát triển du lịch.
Nhằm từng bước khai thác nguồn tài nguyên sẵn có, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thường Xuân đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 30-3-2016 về “Phát triển du lịch huyện Thường Xuân giai đoạn 2016–2020, định hướng đến năm 2025”. Đồng thời, UBND huyện cũng ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 15-1-2018 về việc triển khai xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để địa phương xây dựng và triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch. Đồng thời cũng cho thấy sự đổi mới trong tư duy và nhận thức về du lịch của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tháng 3-2018, địa phương đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân”, tại hai địa điểm là bản Vịn, xã Bát Mọt và thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm. Đến nay, cơ sở vật chất (chủ yếu là nhà ở) tại bản Vịn cơ bản đáp ứng yêu cầu du lịch cộng đồng. Còn thôn Thanh Xuân đã có một số hộ dân tham gia thí điểm làm du lịch cộng đồng và thu được kết quả bước đầu. Để khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch, địa phương đã tạo cơ chế ưu đãi cho các hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du khách...
Bên cạnh đó, để xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh, địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá và quy hoạch một số di tích, như Di tích Hội Thề Lũng Nhai, một điểm đến lịch sử, văn hóa – tâm linh quan trọng. Đồng thời, đầu tư xây dựng Đền thờ Cầm Bá Hiển và di dời, xây dựng đền Cô Ba – thác Mạ (xã Vạn Xuân). Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi các nguồn xã hội hóa để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng tại Khu Di tích lịch sử đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn. Theo đó, chỉ tính riêng các năm 2015, 2016, đã kêu gọi cung tiến xây dựng các công trình và đồ thờ, có trị giá lên đến trên 1,5 tỷ đồng; năm 2017 kêu gọi cung tiến công trình lát sân giá trị trên 1,4 tỷ đồng.
Cùng với việc xây dựng sản phẩm du lịch, huyện Thường Xuân cũng chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch. Trong đó có công trình đường ven hồ từ trung tâm đón khách (thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên) lên trạm Sông Khao. Đưa vào sử dụng tuyến đường bê tông vào thác Thiên Thủy (xã Vạn Xuân), có tổng chiều dài trên 6 km (do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên làm chủ đầu tư). Đồng thời, đầu tư hạ tầng viễn thông gồm 1 trạm phát sóng Vinaphone phủ sóng khu vực hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt. Ngoài ra, còn hoàn thiện đưa vào sử dụng trạm đón khách Sông Khao, có khả năng phục vụ khoảng 60 khách ăn nghỉ...
Mặc dù vậy, Thường Xuân hiện vẫn là một điểm đến tiềm năng. Bởi việc khai thác phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Điều này xuất phát từ nguồn lực đầu tư cho du lịch, mà cụ thể là đầu tư hoàn thiện hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trên địa bàn huyện chưa có cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn đón khách du lịch; hệ thống đường bộ, đường sông đến các điểm du lịch chưa đồng bộ, chất lượng thấp và chưa hình thành mạng lưới kết nối. Trong khi đó, năng lực tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch nói chung, quy hoạch du lịch nói riêng, còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch sinh thái và văn hóa – tâm linh vẫn chưa thật nổi trội, hấp dẫn... Đây là những khó khăn mà huyện Thường Xuân cần phải tháo gỡ, nếu muốn tạo ra điều kiện “đủ” cho du lịch phát triển. 
Nguồn: Baothanhhoa.vn
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995